Ngày 14/01/2014 tới, tiểu đệ về quê nhà lãnh trách nhiệm huynh trưởng là
chủ lễ, đại diện nhà trai thực hành hôn lễ cưới vợ ăn tết cho cháu trai là con
của bào đệ. Vốn có chút máu giang hồ đất cảng nên nhận lãnh sứ mang này gặp
không ít khó khăn. Tiểu đệ nói với các đệ, muội trong nhà : thôi đành đại ca
phải dẹp máu giang hồ, học hỏi một phen để lãnh nhận sứ mạng khó thoái thác này.
Sau một khóa siêu tốc, nay tiểu đệ xin đôi lời hầu chuyện cùng bằng hữu gần xa.
Người Việt Nam phần đông theo Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có từ thời Hùng Vương. Người ta tin rằng tổ tiên mình là thiêng liêng, tổ tiên đi vào cõi vĩnh hằng nhưng vẫn sống cạnh con cháu, tổ tiên phù hộ cho con cháu khi gặp khó khăn; vui mừng khi con cháu gặp may mắn, khuyến khích cho con cháu làm điều lành, tránh làm điều dữ và quở trách con cháu khi làm những điều tội lỗi.Bởi vậy khi nhà có việc trọng không thể không kính trình với các vị thần linh, tổ tiên qua kênh giao tiếp tại cổng giao tiếp là bàn thờ tổ tiên với các nghi lễ cúng khấn vái quỳ lạy. Hôn nhân của con cháu chính là việc trọng mà người sống muốn kính trình, muốn bày tỏ khát vọng với tổ tiên và mong muốn được phù trợ cho mọi việc đều tốt đẹp, muốn có được những điều mong muốn siêu phàm.
Ngựa chàng đi trước võng nàng theo sau.( tranh dân gian sơn mài khảm trai ) |
Trên Bộc Trong Dâu”, để rồi "MÂY MƯA đánh đổ đá vàng,quá chiều nên đã chán chường yến anh". Ra tuồng trên bộc trong dâu,thì con người ấy ai cầu làm chi”.
Nghi lễ hôn nhân và hợp cẩn, cổ truyền Việt Nam thì nhiều lễ. Ngày nay trong hoàn cảnh mới đa số các gia đình điều tiết giảm lồng ghép các nội dung còn một, hai hoặc ba lễ cho phù hợp. Đa số các gia đình chọn ba lễ trong đó có biến tấu lồng ghép hầu hết các nội dung yêu cầu mục đích của lục lễ trước đây, cho phù hợp thời thế, gia cảnh. Đó không phải là “ đả cựu nghênh tân “ hay “ thủ cựu bài tân “ càng không phải “ đả cựu, bài tân – giang hồ đất cảng “. Đó gọi là “ Thức thời mới là Tuấn kiệt “. Tiểu đệ thấy nên lồng ghép thành ba lễ, nếu không rộng thời gian có thể lồng ghép chung một ngày trình tuần tự ba lễ xen hai tuần trà đàm đạo vui vẻ, chủ yếu là lòng thành. Mở đầu mỗi lễ là nghi lễ bưng khay trầu rượu, kính cẩn mời rượu, mời trầu đối tác. Vô tựu bất thành lễ mà. Ba lễ đó là : Lễ dạm ngõ, lễ ăn hỏi và lễ cưới lồng ghép thế này :
1/ Lễ dạm ngõ Nghi thức gặp gỡ hai bên gia đình, lần đầu tiên được biết nhau một cách công khai, chính thức.Cho dù gần nhà hay cùng cơ quan cũng nên có lễ này để chính thức đặt vấn đề hôn nhân của hai con. Từ đó thỏa thuận, tiến tới tác thành, xây dựng cho hai con. Đồ lễ mang sang nhà gái thường là trầu, cau, rượu, chè.
- Lễ vấn danh nhằm hỏi tên tuổi (vấn danh), so đôi lứa để xem xét xung, hợp của đôi trai gái đồng thời nhằm có dữ kiện để chọn ngày giờ tốt cho các nghi thức, thủ tục cưới hỏi. Lễ vấn danh cũng bao gồm những lễ vật tương tự lễ ăn hỏi tuy có thể ít hơn và giản dị hơn. Cô gái nhà nào đã nhận lễ vấn danh coi như đã có chồng (dù chưa cưới). Hiện nay trong Lễ cưới người Việt lễ vấn danh kết hợp trong lễ ăn hỏi.Dù đã biết rất rõ cũng nên chính thức xưng danh, giáp mặt một lời. Thế mới là danh chính.
- Lễ đính hôn: một lễ mang màu văn hóa Tây phương.Về mặt ngữ nghĩa lễ đính hôn, hay lễ cầu hôn tương đương lễ ăn hỏi (hỏi vợ) của người Việt.Những người ảnh hưởng văn hóa phương Tây khá giã, thích làm lễ này để có dịp trao nhẫn đính hôn đính kim cương hoặc đá quý cùng lời cầu hôn cho hôn lễ hoành tráng, có hào khí. Thế cũng hay, nhưng tiểu đệ là giới bình dân không kham nổi nên không muốn làm lễ này.
- Lễ ăn hỏi nhà trai mang lễ vật sang nhà gái hỏi vợ. Lễ vật đựng trong các tráp phủ vải điều màu đỏ, thường có trầu, cau, rượu, chè, bánh cốm, bánh xu xê, mứt sen, xôi, thủ lợn, lợn sữa quay.( Tùy gia cảnh và ý riêng của hai bên thống nhất )
3/ Lễ cưới Là từ chỉ chung các nghi thức
: Lễ Vu quy bên nhà gái, Lễ thành hôn bên nhà trai gộp những thủ tục sau:
- Lễ nạp tài nhà trai mang sính lễ sang nhà gái. Đồ sính lễ gồm trầu cau, gạo nếp, thịt lợn, quần áo và đồ trang sức cho cô dâu, một số ngân khoản. Số lượng do thường nhà gái quyết định nhà gái ( Thách cưới ) và cũng là thể hiện sự cảm ơn công lao nuôi dạy con dâu mình. Lễ nạp tài hiện nay trong phong tục lễ cưới người Việt đã kết hợp một phần vào lễ ăn hỏi (lễ vật ăn hỏi) và một phần vào trong lễ cưới (trao của hồi môn).
- Lễ xin dâu trước giờ đón dâu, mẹ chú rể hoặc một hai bà cô, bà dì, họ hàng thân thích (nữ) sang nhà gái để xin được đón dâu. Lễ vật trong lễ xin dâu người Việt thường là tráp đựng trầu têm cánh phượng. Nên giảm chế lồng ghép vào lễ đón dâu
- Lễ đón dâu nhà trai cử đoàn đại diện nhà trai sang nhà gái đón dâu về. Nên lồng ghép với lễ xin dâu.Tùy nghi gần thì đi bộ, xa đi bằng xe hơi, chịu chơi thì dùng xe máy hai bánh, sang thì đi xe xích lô nghi lễ.
- Lễ vu quy diễn ra tại nhà gái, nơi tiễn cô dâu đi lấy chồng. Nên chia làm hai lễ : Lễ lạy xuất giá trong phạm vi gia đình nội ngoại tộc nhà gái đêm hôm trước và lễ Vu quy đãi khách hôm sau.
- Lễ thành hôn còn gọi là lễ cưới nói chung, tuy vẫn thiên về chỉ lễ cưới chính thức tại nhà trai.
- Tới đây có thể xem là hôn lễ đã thành. Nếu muốn tôn thêm tính thiêng liêng, làm cho hôn lễ thêm long trọng, cho đáng cả đời chỉ có một lần thì tổ chức thêm hai lễ : Lễ tơ hồng, Lễ hợp cẩn.
- Lễ tơ hồng: Lễ khấn ông Tơ bà Nguyệt và Cao đường (cha mẹ), diễn ra tại nhà trai. Thường chỉ có người thân thích, sau khi khách mời đã ra về hết.
- Lễ hợp cẩn Đây là buổi lễ kết thúc đám cưới tại nhà trai. Trước giường có bàn bày trầu rượu và một đĩa bánh phu thê (sau này ta đọc thành bánh xu xê). Ông cụ già đứng lên rót rượu vào chén rồi mời đôi vợ chồng cùng uống, phải cùng cạn chén, cùng ăn hết cái bánh không chia cho ai, không để thừa. Sau đó mọi người ra ngoài, để hai vợ chồng cùng tâm sự. Ở một số nhà khá giả, thiên về hoạt động văn hoá, thì những bạn bè văn chương chữ nghĩa với chàng rể còn mang hoa, thắp đền sáng rực trong phòng hợp cẩn. Họ cũng ca hát, gây tiếng động, hoặc vỗ tay, đập các khúc gỗ vào nhau. Đó cũng là gốc của ba chữ “ Động phòng hoa chúc”, chứ không phải gốc là ý kia đâu nha.
- Lễ báo hỉ: (có thể có) thường là tiệc mặn hoặc ngọt tổ chức sau nghi lễ cưới chính thức tại quê quán của cô dâu hoặc chú rể, hoặc nơi ở của bố mẹ vợ, bố mẹ chồng, trong trường hợp quá xa ông bà, cha mẹ không thể xuống dự đám cưới với con cháu được.
- Lễ lại mặt: (có thể có) là lễ do chú rể mang về nhà gái sau ngày cưới từ 2 đến 4 hôm như một lời cảm ơn bên thông gia.
- Lễ cheo: Là lễ vật hoặc kinh phí nộp cho làng, xóm có con gái đi lấy chồng, với dụng ý để xóm làng tiếp thu thêm thành viên mới, tế bào mới của làng. Lễ cheo có thể tiến hành trước nhiều ngày, hoặc sau lễ cưới một ngày. Hiện nay không còn giữ phong tục này. Nhưng vẫn còn lệ phì Đăng ký kết hôn, nếu trễ có thể bị phạt tới hai triệu Việt Nam đồng, nếu có yếu tố nước ngoài thì cao hơn đấy.
- Tuần trăng mật: (tùy) chỉ những ngày đầu tiên sau hôn lễ. Nhiều cặp vợ chồng trẻ có điều kiện thường tổ chức đi chơi du lịch tuần trăng mật tới những địa điểm có phong cảnh hữu tình. Tuần trăng mật cũng là thời điểm nghỉ ngơi cho cặp vợ chồng trẻ sau những ngày căng thẳng tiến hành hôn lễ. Nếu sau tuần trăng mật, các vị thân sinh thấy cô dâu khóc hay buồn thì đừng lo, vì cô dâu hối hận đã lấy chồng hơi trễ, buồn hay khóc lúc nay cũng tốt thôi. Vui sao nước mắt lại trào là thế.
Vài lời thưa thốt dông dài,mong rằng cũng được một vài trống canh.Tiểu đệ chẳng dám múa rìu qua mắt thợ, có gì sai xót vụng về xin các vị đại sư,
các sư phụ,sư huynh, các bằng hữu niệm tình thông cảm chỉ giáo. Tiểu đệ chỉ muốn hầu chuyện các bằng
hữu mà thôi.
Xin đa tạ.
Thấp thoáng xuân Giáp Ngọ - 2014.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét