CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.

CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.
NGƯỜI ĐƯA TIN K16 LÂM HỌC

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2013

VƯỜN QUỐC GIA MŨI CÀ MAU - KHU RAMSAR THẾ GIỚI.

      Ngày 13/4/2013 tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Cà Mau và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới(WWF) đã tổ chức buổi lễ đón nhận bằng công nhận Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 2088 của thế giới. Đối với Việt Nam, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là khu Ramsar thứ 5 sau Vườn Quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Bàu Sấu thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), hồ Ba Bể ở Bắc Cạn và Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp).

    Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) có diện tích hơn 41.800ha. Đây làvùng đất ngập mặn ven biển, tuy không đa dạng về chủng loài nhưng có những đặc thù riêng về hệ động, thực vật.Vườn có 93 loài chim, 26 loài thú, 43 loài bò sát, 9 loài lưỡng cư, 233 loài thủy sản. Trong đó có nhiều loài quý hiếm như bồ nông chân xám, cò trắng Trung Quốc, giang sen, rái cá, rùa hộp lưng đen, cầy giông đốm lớn, rùa răng, rùa ba gờ, rùa cổ bự, ba ba Nam Bộ…
Bãi bồi, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau là nơi quần tụ của nhiều loài động thực vật sinh sản và cung cấp cho ngư trường biển Cà Mau.
       Công ước Ramsar là một công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước, với mục đích ngăn chặn quá trình xâm lấn ngày càng gia tăng vào các vùng đất ngập nước cũng như sự mất đi của chúng ở thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai, công nhận các chức năng sinh thái học nền tảng của các vùng đất ngập nước và các giá trị giải trí, khoa học, văn hóa và kinh tế của chúng.Phục vụ cho công ước có ủy ban thường trực, ban xét duyệt khoa học và ban thư ký tại trụ sở chính ở Gland, Thụy Sỹ  cùng với IUCN.
 
Sân chim xóm Lò Ngọc Hiển
     Việt Nam đã ký gia nhập Công ước Ramsar vào năm 1989, là thành viên thứ 50, đồng thời là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước này.
 

BÀ NGOẠI U 60.

Các bà nội, bà ngoại k16 lâm học đã vào hàng U60 rồi, thử xem cháu tả có giống không???


  “Bà ngoại em vẫn chưa già,
Chiều chiều bà cưỡi xe ga ra đường.
Mắt bà vẫn rất tinh tường,
Tóc nhuộm ánh tím, soi gương mỗi ngày.
Nhưng bà em vẫn rất hay,
Bà chăm con cháu luôn tay, luôn mồm.
Công việc bà vẫn ôm đồm,
Chăm lo con cháu, sớm hôm không nề. 
Hôm nay cô giáo ra đề,
Bắt em phải tả viết về Bà em.
Em tả giống hệt bên trên.


Cô bắt viết lại - mắng thêm em rằng:
Đã Bà là phải rụng răng.
Tóc phải bạc trắng như trăng trên trời.
Bà cũng không được ăn chơi.
Vì mắt phải kém và môi nhai trầu.
Đã Bà là phải ngồi khâu.
Không được ngồi hát Ka - Râu - Ô - Kê.
Nhất là không được ghi đề.
Tuyệt đối không được phóng xe ào ào.


Em nghe chẳng hiểu thế nào ?
Em phải hỏi mẹ xem sao vụ này ?
Tả sai thì lại không hay !
Tả đúng thì lại có ngày ăn roi !
Kiểu này phải bảo mẹ thôi !
Hay đổi bà khác đúng lời của cô???”

Thứ Hai, 15 tháng 4, 2013

THÁNH ĐỊA ĐỀN HÙNG - PHÚ THỌ.


Dù ai đi ngược về xuôi,
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca.
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

      Các Vua Hùng là Tổ tiên của đồng bào Việt Nam ở khắp năm châu, bốn biển. Khu vực đền Hùng ngày nay nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu - quốc gia Văn Lang cổ xưa của các Vua Hùng.Đền Hùng bao gồm một quần thể đền, chùa,lăng mộ thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của các Vua Hùng .Đó chính là " Thánh địa " thiêng liêng, tổ tiên của mọi đồng bào Việt Nam.Nơi mà bao thế hệ đồng bào Việt Nam đã đang và mãi mãi thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom đền miếu,lăng mộ thờ phụng các Vua Hùng.Ngày mồng Mười tháng Ba đã trở thành một ngày Quốc lễ, một ngày lễ thiêng liêng trọng đại đối với tất cả đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước.Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương trên " Thánh địa Đền Hùng "là một tín ngưỡng thờ phụng thiêng liêng cao đẹp đã được UNESCO long trọng công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.Đồng bào Việt Nam, dù đi khắp bốn phương trời, cũng nhớ về "Thánh địa Đền Hùng ", ít nhất một lần trong đời.
1/Thời Hùng Vương :
     Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Lĩnh (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Hoa), gặp một nàng tiên,con gái bà Vụ Tiên, lấy nhau sinh được một người con trai tư chất thông minh đặt tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Bắc), phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam (từ núi Ngũ Lĩnh về phía Nam).Lộc Tục lên ngôi xưng vương là Kinh Dương Vương,lấy quốc hiệu là Xích Quỉ. Kinh Dương Vương làm vua Xích Quỉ vào năm Nhâm Tuất 2897 TCN,


     Bờ cõi nước Xích Quỉ bấy giờ phía bắc giáp
hồ Động Đình  (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp Biển Đông. Mộ phần Kinh Dương Vương, hiện còn tại làng Á Lữ, xã Đại đồng thành, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Hồ quân (còn có tên là Thần Long) là Long nữ sinh ra Sùng Lãm.Sùng Lãm sau nối ngôi Vua cha, lấy niên hiệu là Lạc Long Quân.
Khu lăng mộ  vua Kinh Dương Vương tại thôn Á Lữ, xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.
        Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai (con của Đế Nghi), tên là Âu Cơ, sinh một bọc trăm người con trai. Một hôm, Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp lâu dài thật khó".Vua Lạc Long Quân và bà Âu Cơ từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về ở miền biển. Người Việt khắp năm châu, bốn biển, trong và ngoài nước gọi nhau là "đồng bào", nhận mình là "con cháu rồng tiên "cũng là từ sử tích này đây.Sau Vua Lạc Long Quân phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua nối ngôi Vua Hùng, đặt quốc hiệu là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu (Bạch Hạc, Vĩnh Phú ).

    
     Từ đời Kinh Dương Vương đến đời Hùng Vương thứ 18, có 18 vị vua Hùng như sau: (số năm trị vì là ước đoán)
1.    Hùng Dương (Lộc Tục): 2879 - 2794 TCN
2.    Hùng Hiền (Lạc Long Quân): 2793 - 2525 TCN
3.    Hùng Lân : 2524 - 2253 TCN
4.    Hùng Việp: 2252 - 1913 TCN
5.    Hùng Hy (trước): 1912 - 1713 TCN
6.    Hùng Huy: 1712 - 1632 TCN
7.    Hùng Chiêu: 1631 - 1432 TCN
8.    Hùng Vỹ: 1431 - 1332 TCN
9.    Hùng Định: 1331 - 1252 TCN
10. Hùng Hy (sau):  1251 - 1162 TCN
11.  Hùng Trinh: 1161 - 1055 TCN
12.  Hùng Võ: 1054 - 969 TCN
13.  Hùng Việt: 968 - 854 TCN
14.  Hùng Anh: 853 - 755 TCN
15.  Hùng Triều: 754 - 661 TCN
16.  Hùng Tạo: 660 - 569 TCN
17.  Hùng Nghị: 568 - 409 TCN
18.  Hùng Duệ: 408 - 258 TCN

        Năm 258 trước CN, vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) nhường ngôi cho Thục Phán,một tướng lĩnh đã lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Tần. Thục Phán lên ngôi xưng vương là An Dương Vương,thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom đền miếu, thờ phụng họ Hùng Vương.An Dương Vương dời đô về Cổ Loa ( Đông Anh,Hà nội), đặt tên nước là Âu Lạc.

 2/Khu di tích lịch sử Đền Hùng – Phú Thọ :
     Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh thuộc kinh đô Phong Châu, quốc gia Văn Lang cổ xưa. Đền Hùng gắn với lễ hội Đền Hùng từ lâu đời được tổ chức tại địa điểm đó hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Hiện nay, theo các tài liệu khoa học đã công bố đa số đều thống nhất nền móng kiến trúc đền Hùng bắt đầu được xây dựng từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Đến thời Hậu Lê ( thế kỷ 15 ) được xây dựng hoàn chỉnh theo quy mô như hiện nay.
       Quần thể di tích đền Hùng nằm từ chân núi đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét (núi có những tên gọi như Núi Cả, Nghĩa Lĩnh, Nghĩa Cương, Hy Cương, Hy Sơn, Bảo Thiếu Lĩnh, Bảo Thiếu Sơn), thuộc địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.Quần thể Đền Hùng nằm trong khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt giáp giới với những xã thuộc huyện Lâm Thao, Phù Ninh và vùng ngoại ô thành phố Việt Trì, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 10 km. Khu vực đền Hùng ngày nay, nằm trong địa phận của kinh đô Phong Châu của quốc gia Văn Lang cổ xưa. Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương, đương thời các Vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại khu vực núi Nghĩa Lĩnh này.
VIDEO :KHU DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN HÙNG - Thôn Cổ Tích,xã Hy Cương TP Việt Trí tỉnh Phú Thọ. 


Các di tích chính :

1.    Đền Hạ : Tương truyền là nơi Tổ Mẫu Âu Cơ.. sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con là tổ tiên của người Bách Việt. Thiêng liêng hai chữ " Đồng bào" là từ đây.

    2.    Nhà bia: Nhà bia nằm ngay cạnh đền Hạ có kiến trúc hình lục giác với 6 mái. Bên trong đặt tấm bia đá khắc dòng chữ quốc ngữ : "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Đây là câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Đền Hùng ngày 19 tháng 09 năm 1954.

3.    Chùa Thiên Quang: còn gọi là Thiên quang thiền tự, tọa lạc gần đền Hạ. 

4.    Đền Trung: Tương truyền là nơi các Vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước. 

5 .Đền Thượng: Đền được đặt trên đỉnh núi, nơi ngày xưa theo truyền thuyết, các Vua Hùng thường lên tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp như : thờ trời đất, thờ thần lúa, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang vật thịnh. Ngoài cổng đền có dòng đại tự: "Nam Việt triệu tổ" (tổ tiên của Việt Nam). 

6.    Cột đá thề: Bên phía tay trái đền Thượng có một cột đá gọi là cột đá thề, tương truyền do Thục Phán dựng lên, khi được Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, để thề nguyện bảo vệ non sông đất nước mà Hùng Vương trao lại và đời đời hương khói trông nom đền miếu, thờ phụng họ Hùng Vương.
Cột đá thề cũ.

Cột đá thề mới.
   7.    Lăng Hùng Vương  tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm thứ 27 (năm 1870 ) đã cho xây mộ dựng lăng. Thời Khải Định tháng 7 (năm 1922) trùng tu lại. 

8.    Đền Giếng: Tương truyền là nơi công chúa Tiên Dung và công chúa Ngọc Hoa (con gái của Vua Hùng thứ 18) thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 18. 
 
Giếng cổ và những tờ bạc do khách thập phương cúng không đúng chỗ.
9.    Đền Tổ mẫu Âu Cơ: Là một ngôi đền mới, được bắt đầu xây dựng vào năm 2001 và khánh thành tháng 12 năm 2004. Đền được xây dựng trên núi Ốc Sơn (núi Vặn).

3/Lễ giỗ Tổ Hùng Vương có từ bao giờ ?


       Hai tấm bia ở Đền Thượng trên núi Hùng, có ghi về lịch sử ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba như sau:
    Tấm "Hùng miếu điển lệ bia" do Hội đồng Kỷ niệm tỉnh Phú Thọ lập năm Khải Định thứ 8 (1923) có hai phần: Phần thứ nhất, chép lại công văn của Bộ Lễ triều Nguyễn, ngày 25 tháng Bảy năm Khải Định thứ nhất (1917) gửi Các vị ở phủ viện đường đại nhân tỉnh Phú Thọ cùng nhau tuân thủ điều sau đây: “Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có miếu lăng phụng thờ Hùng Vương ở núi Hùng, trải các năm, cả nước đến tế, thường lấy kì mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày Mười Một tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng… (Sự thể này dẫn tới chỗ) thường hứng bất kì, hội họp cũng lãng phí theo sở thích, còn lòng thành thì bị kém đi… (Vì thế) cẩn thận định lại rằng : từ nay về sau, lấy ngày mồng Mười tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày hội tế của bản hạt, khiến nhân sĩ mọi miền đến đây có nơi chiêm bái…”.

    
     Phần thứ hai của văn bia "Hùng miếu điển lệ bia" dành cho việc quy định “Đệ niên kỉ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hằng năm) với những câu như sau: “Nay phụng mệnh theo Bộ Lễ, chuẩn định ngày quốc lễ tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng Mười tháng Ba. Chiều ngày mồng Chín tháng Ba hằng năm, các quan liệt hiến trong tỉnh, cùng các quan viên trong cả phủ huyện của tỉnh, đều phải mặc phẩm phục, tề tựu túc trực tại nhà công quán. Sáng hôm sau, tới miếu kính tế…”.
     Như vậy, Lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương, từ xa xưa, chọn nhật kỳ tiến hành vào mùa thu, là mùa tổ chức các lễ hội có lịch sử cổ xưa hơn các lễ hội mùa xuân, không định ngày quốc lễ cụ thể. Đến năm 1917 mới có quy định chính thức của triều Nguyễn (đời vua Khải Định) lấy ngày mồng Mười tháng Ba hàng năm làm ngày “quốc lễ” (Quốc lễ, quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1940) cũng đang đặt ở Đền Thượng trên núi Hùng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc lễ, lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ hai (dương lịch là năm 1917), Tuần phủ Phú Thọ (là) Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng Mười tháng Ba hằng năm làm ngày quốc lễ, tức trước ngày giỗ tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11 tháng Ba) do dân sở tại làm lễ”.Như vậy định kì lấy ngày mồng Mười tháng Ba (âm lịch) làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương hàng , chỉ bắt đầu từ năm 1917.

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

KHAI MẠC LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - LỄ HỘI ĐỀN HÙNG PHÚ THỌ - NĂM 2013



   

      Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội đền Hùng năm nay được tổ chức trang trọng với quy mô lớn để đón bằng UNESCO công nhận  “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.


Nghi lễ dâng hương tại đền quốc tổ Lạc Long Quân.
     Lễ khai mạc được tổ chức vào lúc 20h tối nay ngày 13/4 (tức ngày 4/3 âm lịch). Mở đầu và tâm điểm lễ hội năm nay là buổi lễ đón bằng UNESCO công nhận "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại . Buổi lễ có sự tham dự của đại diện các quốc gia trong 24 nước thường trực Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 của UNESCO.
 


    Đây sẽ là sự kiện khai mạc cho lễ hội Đền Hùng kéo dài 7 ngày. Buổi lễ đón nhận bằng với chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 lúc 20h.


 
Lễ đón nhận bằng UNESCO công nhận " Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ " là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

  Sau lễ đón bằng công nhận là chương trình nghệ thuật gồm 3 chương: 
    Chương 1 - Dòng giống Rồng–Tiên - Thiêng liêng hai tiếng Đồng bào.
    Chương 2 - Hành trình tâm linh về nguồn cội, tri ân Quốc tổ Hùng Vương.
    Chương 3 - Phú Thọ - Mùa xuân linh diệu của non sông.




     Cựu sinh viên k16 lâm học ĐHLNVN, vinh dự có Hoàng Đình Lê hiện là hiệu trưởng Trường trung học lâm nghiệp Tây Nguyên là người quê tại "Thánh địa Đất Tổ Hùng Vương". Đó là xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.


 Xin giới thiệu vài hình ảnh về Đền Hùng :

Đền Thượng.
Đền Trung.
Đền Hạ.
Đền Giếng.
Lăng Hùng vương trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh