CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.

CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.
NGƯỜI ĐƯA TIN K16 LÂM HỌC

Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

NAO LÒNG NHỚ NGÀY XƯA - BẠN CŨ.





Là bạn bè k16, được gặp trong sự kiện trọng đại của gia đình. Lời cảm ơn không bao hàm hết được. Nhìn ảnh, nao lòng thương nhớ ngày xưa. 
          Những cặp đôi k16, lúc các bạn nắm lấy tay nhau bước vào đời như thế nào ? Các bạn k16, các bạn bắt đầu xây tồ ấm như thế nào ? Gian truân, vất vả, hạnh phúc, thành đạt...?

          Còn anh, một người bạn trong tấm hình này ... Ba mươi năm không có tin thực. Sáu lần họp lớp không có mặt. Hôm nay, có anh, thật ngỡ ngàng, không tin lắm Thiệp mời tới được với anh, không nghĩ anh sẽ đến. Anh vui được gặp lại bạn bè. Bạn bè vui có anh. Nhìn ảnh, nao lòng thương nhớ ngày xưa.

Cao Kỳ Công
      Ngày ấy, mùa mưa 1979, Lâm trường mình bắt đầu kế hoạch trồng rừng ngập mặn. Mua "trái" giống Đước tận Cà Mau. Những năm trước chỉ huy trồng rừng Sao đen ở Xuân Sơn, dân đốt rẫy cháy hết, không bảo vệ được nên cãi không chịu trồng tiếp. Lãnh nhiệm vụ đi Cà Mau. ( Sau này Lâm trường cũng trồng được ít rừng Sao bây giờ vẫn còn, phải nhờ thâm canh như trồng rừng Cao su lân cận ). Từ Bà Rịa, bộ sậu đi ô tô lâm trường xuống Cà Mau, một ngày đêm mới tới, đường xóc khiếp lắm. Liên hệ, làm thủ tục với Ty Lâm nghiệp Minh Hải xong, các vị lớn về. Để lại mình với 01 công nhân vườn ươm ,01 kế toán làm thủ quỹ dẫn đoàn ghe xuống Năm Căn đến tận bạt ngàn rừng Đước. Neo đậu nhờ bên một căn nhà sàn Đước, lợp lá ven rạch. Bắt đầu thu mua trái Đước. Mùa trái Đước, phải mưa gió trái mới rụng nhiều. Dân cứ thế chèo xuồng vớt trái, đong vào cần xé, đổ lên ghe, trả tiền ngay. Ghe đầy trái 17- 25 tấn / ghe, chủ ghe tự chở về Lâm trường, xong ghe này đến ghe khác. Lúc đầu còn lạ. còn vui. Được hơn ba tuần, tên công nhân vườn ươm ỉ ôi xin về con ốm. Dọa không cho về thì trốn. Khổ quá mà, buồn lắm, ăn ở trên ghe, muỗi quá trời, hiếm nước ngọt nữa. Cho về. Đến lượt em thủ quỹ cũng nằng nặc một về không trở lại. Không có ai chịu tăng cường xuống. Thế là một mình tự biên, tự diễn. Biết bao năm trôi qua, thi thoảng nghĩ lại sao mình hay thế và ... ngu ngu thế. Khoảng 04 tháng, hình như 23 chuyến ghe, 417 tấn trái Đước cho trồng được bao nhiêu ha năm ấy và nay còn rừng bao nhiêu ha không nhớ và không biết. Nhưng chắc chắn hai lần hút chết vì không biết bơi, lần ôm túi tiền bước từ ghe chèo qua ghe khác để lên bờ hụt chân rơi tòm xuống sông. Lần sau theo chuyến ghe cuối cùng về, tài công phụ ôm cua ngặt quá ghe lật, may ngồi dưới khoang nhưng cửa khoang mở, chui ra được bám vào thành ghe người ta kéo vào bờ lúc nào không hay. 17 tấn trái Đước trôi hết.


          Chỉ gần 04 tháng, một quãng thời gian thật ngắn ngủi của đời người, nhưng chỉ là khi 26 tuổi, chỉ là thời đó, miền sông nước Năm Căn thật yên bình, cuộc sống sau cuộc chiến lam lũ, đói nghèo nhưng không tội ác. Một nơi tận cùng xa lạ, không một người thân, không phố xá, làng mạc...Không sợ muỗi, không sợ đói, mà sợ buồn. Buồn đến sợ hãi.. nhất là khi ghe về hết, khi một đợt nắng trái ít rụng không ai vớt, dài cổ chờ, ngày dài, đêm dài, chờ tiếng máy ghe chạy qua dài kinh khủng. Bất chợt trong những ngày đầu buồn kinh khủng ấy, anh đến. Cao Kỳ Công, chưa bao giờ cảm ơn anh vì điều đó. Nhưng tận trong sâu thẳm ký ức mình, tiếng máy vỏ lãi và hình dáng anh rũ áo mưa từ vỏ lãi bước lên căn nhà lá ven sông, giữa rừng ấy không phai mờ. Anh chỉ ghé qua, vì hôm vào Ty anh đi công tác không gặp và anh lại ở bên Khai thác không phụ trách mảng này. Sau đó anh giúp chỗ ở khi về thị xã Cà Mau những đợt chờ liên lạc tiền với Lâm trường. Anh đưa đến lâm trường bộ nơi anh chị  K14. Anh đưa xuống Rạch Gốc, nơi tận cùng sông biển đất trời Tổ Quốc...anh đã giúp mình đi qua những ngày tháng ấy, hoàn thành cái nhiệm vụ ấy thật tự nhiên như không có gì là khó khăn ghê gớm cả. Anh là một người bạn K16, đơn giản thế thôi. Sự nhờ cậy bạn bè thật vô tư, không phải suy nghĩ gì. 

Cao Kỳ Công và Lê Kim Hồng  k16 trong ngày Hồng gả con gái tại Vũng Tàu.
           Tháng 6/1980 chuyển sang Vũng Tàu. Ở cấp Sở nên hay về Văn phòng 2 Phùng Khắc Khoan họp. Thi thoảng gặp anh, có hôm anh còn kéo cả nhóm đi nhà hàng. Khuya về anh còn chở vèo vèo trên đường Trần Hưng Đạo. Hồi đó, phần đông còn xe đạp, anh đã chạy xe phân khối lớn, tiền xài Đại gia thứ thiệt. Khai thác mà. 

          Anh viết thư hẹn đám cưới mình anh xuống rồi bỗng lặn mất tăm, 30 năm, thi thoảng được tin anh đang làm chỗ này, ở chỗ kia, nhưng hỏi địa chỉ cụ thể để liên lạc thì đều không biết. Những năm 80 của thế kỷ XX thật khó khăn, không liên lạc được còn dễ hiểu, nhưng qua 1990, rồi thế kỷ XXI, điện thoại di động,internet... vẫn không tìm liên lạc được với anh. Kỳ vậy. 


          Khi còn ở trường, ở K16 tuy không trong nhóm bạn với anh nhưng cũng có chút chút liên quan, thi thoảng anh là người đưa tin ( một chiều ) cho mình. Rồi ngày ra trường về quê, anh có ghé ở nhà mình 01 đêm. Hồi đó tàu từ Hà Nội vào chỉ đến Vinh, đi tiếp vào phía trong phải mua vé ô tô. Những người đi ra chờ tàu, đi vào chờ xe ghé nhà mình là chuyện bình thường. Sáng ra mẹ mình còn nấu cơm anh ăn rất sớm và mình đưa anh ra bến xe Vinh bằng cái xe đạp Phượng Hoàng nam cao kều trong mùa đông gió rét ( và hình ảnh mẹ sàng gạo, nhặt thóc bên bếp lửa hôm đó thật giống như những hôm khác đã in đậm trong tâm trí mình ). 

          Trước khi họp lớp ở Huế, bỗng Bạch Lê Quang điện thoại bảo nói chuyện với Cao Kỳ Công, thật bất ngờ, đang đau bao tử bỗng hết đau luôn. Bạch Lê Quang cứ thắc mắc không biết tại sao Công lại nhờ Quang tìm gọi cho Lê Hồng.

Bạn bè k16, k17 tới mừng ngày Hồng gả con gái tại Vũng Tàu - 2012.
        Nghĩ là gặp anh tại Huế với K16, nhưng anh không đến. Lớp họp 06 lần rồi, nhiều người không có điều kiện để đến, có người không muốn đến, Anh thế nào ? Ban liên lạc lớp rất kỳ công tìm kiếm bạn bè.

          Với Thìn quê lụa Hà Đông, mọi người cứ nghĩ nơi vùng sâu vùng xa tận miền đất có Mùa nước nổi ý không có gì liên lạc được. Ai ngờ tìm được mới thở phào nhẹ nhõm. Còn( bổ chửng ) quê độ là bởi người ta đã bấm chuột với cả thế giới từ lâu rùi.

          Còn anh, gặp lại anh, lòng chưa nhẹ nhõm chút nào. Ba mươi năm nay anh làm gì ? Ở Đâu ? Tại sao anh không lấy vợ...vv..vv...

          Mở kỷ yếu gọi cho các bạn, gọi cho anh và mời anh vì trong lòng thực tình không tin địa chỉ anh nói là có thật. Vậy rồi anh đến với giãi bày với cả Duyên Hồng: Về Sài Gòn hôm qua cũng có đám cưới, nhậu mệt quá, sáng ra tính không đi nhưng sợ bà chằng này( chỉ mình ) hắn la. Ngồi uống cafe thấy 02 ông ngờ ngợ ( Khôi, Bảy ) Giá trong quãng 30 năm qua, mình tìm gặp được anh, la anh để anh sợ, chắc anh có một gia đình riêng rồi. Cuộc đời, có giá như không ? 

          Hồi 1979 - 80, anh kết một người con gái người Việt gốc Hoa. Các anh lãnh đạo không đồng ý. Đang đánh Tàu, anh là cán bộ nguồn. Thời đó đúng là vậy. Đến nay, người ấy cũng không lấy chồng, vẫn ở Sài Gòn. Còn anh, một thời tiền bao tải, rượu dân gộc miền Tây còn theo không nổi, lòng nguội lạnh rồi, làm việc nhậu còn nhưng không thích karaoke, bồ bịch chi cả !!

          Không chất vấn anh nữa, nao lòng thương nhớ ngày xưa. 
               Lê Kim Hồng - k16 lâm học
------------------------------------------



THỜI  GIAN LÀM NÊN THƯỚC PHIM ĐẸP VÀ CẢM ĐỘNG


         Nếu không nói là " tuyệt vời " thì biết dùng lời nào đủ cho khoảnh khắc "ngoạn  mục " trên sông nước Cà Mau, lăn lộn với đời để có hôm nay. Hình ảnh ANH xuất hiện lúc đó (  hơn 30 năm trước - năm 1979 ) như một người hùng, thật vĩ đại..." Cô công chúa bé bỏng " đã được ANH giải cứu khỏi đám muỗi mòng, trên sông nước  Cà Mau...và cũng bằng đó thời gian, hơn 30 năm sau, ANH xuất hiện thật bất ngờ , không kém phần " ngoạn mục ". Bài viết của " Công chúa bé bỏng trên sông nước Cà Màu " năm nào, cho ta thêm tình bạn, tình yêu trong cuộc sống.
       CÁC BẠN HÃY ĐỌC NHÉ và thật nao lòng, về những kỷ niệm của riêng mình ...


                                     Hoàng Thị Duyên - K16 lâm học.


      Đọc bài này ta có cảm giác trúc trắc , chìm nổi,câu chưa tròn, ý chưa trọn.Cái trúc trắc, chìm nổi của sông nước  Cà Màu hay con sóng vỗ trong lòng người. Câu chưa tròn, ý chưa trọn, phải chăng vì vội ghi những cảm xúc trào dâng, chưa kịp sửa …hay muốn diễn tả cái mong muốn, cái giá cũng như không….  Cái hay hơn cả trong bài này đó là tiếng lòng, tiếng của con tim, của kỷ niệm không thể nào quyên…

                Cựu sinh viên k16 lâm học

1 nhận xét: