Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2013

THẦN XÀ VẠN PHÚC THỰC HAY HƯ ?

Cổng ngoài Miếu làng Vạn Phúc.
Cổng trong Miếu làng Vạn Phúc.

1/Trước ngày 28 tháng giêng âm lịch
     Thủ nhang miếu Vạn Phúc - ông Nguyễn Duy Diễm, kể lại: “Tối đó, khoảng 7h, sau khi làm lễ cúng rằm tại miếu và đợi cho hết tuần nhang để xin lộc mang về, cháu Triệu Ngọc Ánh ngồi nói chuyện với những người cùng đi lễ. Đang ngồi thì Ánh giơ hai tay lên, kêu “Ối giời ơi, rét quá!” rồi lăn kềnh ra nền nhà quản cư - nơi nghỉ ngơi của người đến lễ. Sau đó, cháu từ từ trườn xuống sân, lưỡi lè ra, mắt sáng quắc với một bên đỏ, một bên xanh. Cháu định bò ra phía lối đi thì bị vướng tảng đá rồi lùi lại.

Ông Diễm đang tường thuật lại câu chuyện thần xà hiển linh.
Ông Diễm chỉ nơi chị Ánh trườn xuống.

Cháu Ánh bảo mình là “thần xà” và dặn ngày 28 tháng Giêng, làng phải làm lễ cúng một con bò thì thần sẽ ban phúc cho cả làng. Mọi người nghe thấy thế  liền khấn lạy và hứa sẽ sắp đúng lễ như ngài yêu cầu. Một lúc sau thì Ánh tỉnh lại”. Những ngày sau đó cũng có vài người “thần xà “ nhập phán thêm vài yêu cầu nữa của “thần xà “.


Chị Ánh - người bị thần xà nhập vào đầu tiên.
    Ông Minh từng làm thủ nhang tại miếu Vạn Phúc từ đầu năm 2009 đến cuối năm 2012 kể lại: "Hồi tháng 3/2009, nhà Quản cư tại miếu đang được dựng để chuẩn bị chào đón Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tôi được giao ở lại miếu trông nom vật liệu. Vậy nên, gần như cả đêm không được ngủ. Đêm ấy, khoảng 2 giờ sáng, tự nhiên tôi thấy từ trong hốc cây đa cổ thụ có một con rắn dài chừng 3m, giữa bụng màu trắng ngà, trên lưng có những gai màu tro, dọc hai bên sống lưng màu vàng đậm, to như bắp đùi người lớn. Rắn vươn cổ cao chừng 40 phân, trườn quanh khuôn viên miếu rồi lại chui vào hốc đa. Sự việc diễn ra chừng nửa tiếng. Đó cũng là lần duy nhất tôi nhìn thấy "thần" hiển linh".  Đến thời điểm này, ông Minh cũng là người duy nhất ở Vạn Phúc được cho là đã nhìn thấy "thần xà".

Gốc đa trong khuôn viên miếu Vạn Phúc được cho là nơi ngự của " thần xà "
     Câu chuyện "thần xà nhập" chuyền từ người này qua người khác khiến người dân Vạn Phúc và vùng lân cận xôn xao. Có kẻ tin có người nghi ngờ,bàn ra tán vào đủ các góc độ khác nhau. Hằng ngày, người ta ra vào miếu nườm nượp để quyên góp,chuẩn bị cho buổi lễ "thần xà" vào ngày 28 tháng giêng năm Qúy Tỵ (ngày 09/03/2013 ) theo lời phán của “thần xà “.

      Nhiều người dân trong làng Vạn Phúc bàn  định cúng bò theo lời phán của thần xà. Có đến 5 - 6 con bò đã được lên kế hoạch giết thịt nếu không có việc Thành hoàng làng hiện về cấm sát sinh. Tối 18 tháng Giêng. Chị Hoan, một người làng Vạn Phúc được coi là Thành hoàng làng nhập vào tại khu miếu cổ đã phán rằng: “Ta là thành hoàng làng đây. Ta không đồng ý sát sinh, ngày 28 chỉ cúng nhỏ thôi”. Khi mọi người trình bày thần xà yêu cầu cúng bò thì Thành hoàng làng phán dạy rằng: “Ta mới là Thành hoàng làng, ông ấy chỉ là thần xà theo hầu ta lâu nay ,nhất định không được giết bò, nếu ai giết bò, ăn thịt bò, ta sẽ trừng phạt nặng về tội sát sinh..."



   Lời phán của thành hoàng làng khiến mọi người rất hoang mang. Vì nếu cúng bò thì sợ ngài phạt, không cúng thì sợ thần xà quở trách.Một vị cao niên thắp hương khấn thỉnh ý thành hoàng: Chúng con làm lễ cúng rồi dắt bò cúng quanh gốc đa nhưng không giết thịt được không ạ. Thành hoàng gật đầu phán dạy: Cúng xong phóng sinh cho gia đình nghèo nhất nuôi, nghe không ! Thế là thân thế và sự nghiệp của thần xà đã được hé lộ. Bài toán khó : giết bò sát sinh trái với thần phả của làng đã có lời giải hay.Thành hoàng làng Vạn Phúc quả là một” Phúc Thánh anh minh”. Dân làng Vạn Phúc an tâm không giết bò. Số tiền đóng góp dùng mua 2 con bê cúng sống rồi phóng sinh cho người nghèo nuôi.
     Ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng Ban Quản lý tôn tạo di tích phường Vạn Phúc nói :”Về phía Ban Quản lý tôn tạo di tích, tôi khẳng định là không cấm đoán việc người dân làm lễ, nhưng Ban sẽ không đứng ra làm lễ, vì làm như thế là cổ súy cho mê tín dị đoan, không có cơ sở gì để mà làm".

      Tuy nhiên ban quản lý di tích Vạn Phúc cũng kịp xây một miếu thờ, một bể nước có rắc hoa thơm để “ Thần xà “ tắm khi thấy nóng nực ( theo đúng lời phán của “ Thần xà”. ).Cả 2 đều ở gần gốc cây đa, được cho là nơi ngự của “ thần xà” , trong khuôn viên miếu . Một số đồ hàng mã, 2 con rắn hàng mã, một số vàng mã, 2 con bê thực sống để cúng đã được chuẩn bị. Nghe nói tối 08/03/2013, “Thần xà “ đã hiển linh chứng giám lòng thành của dân làng Vạn Phúc,bằng cách rung mạnh một rễ đa lớn, trước sự chứng kiến của nhiều người. Trong đó có cả các vị trong Ban quản lý.
 
Nhà quản cư, nơi nghỉ của người đi lễ và sân lễ trong miếu Vạn Phúc.
Bê dâng cúng “thần xà” được trang trí khá đẹp.
    
Người dân Vạn Phúc đang xây  miếu thờ thần xà ngay dưới gốc đa trong miếu.
Miếu thờ thần xà ngay dưới gốc đa trong miếu.

2/ Ngày 28 tháng giêng năm Qúy Tỵ ( 2013 )

     Từ 4 – 5 giờ sáng, đã có người tới chờ cúng bái “ thần xà “, khi trời sáng rõ thì miếu chật cứng người tràn ra cà ngoài đường dẫn vào miếu, con đường ven đê gần nơi thờ cúng.

       Người ta thấy có nhiều công an, bảo vệ, các thanh niên mặc đồ vàng của nghi lễ làng Vạn Phúc, đi lại làm nhiệm vụ. Nhờ các anh em này nên tình mới không bị rối loạn.
Lễ tế Thành Hoàng làng và Thần xà tại miếu Vạn Phúc ngày 09/03/2013 ( tức 28/01 Qúy Tỵ )
Lễ tế Thành Hoàng làng và Thần xà tại miếu Vạn Phúc ngày 09/03/2013 ( tức 28/01 Qúy Tỵ )

    Trong ngày có một số người được cho là “ Thành hoàng làng”,hoặc “ thần xà “ nhập truyền dạy điều này, ý kia. Có một nữ “ thần xà “ đã leo lên rất cao trên cây đa. May có một số người đã dũng cảm leo lên giải cứu một cách rất chuyên nghiệp không kém các vận động viên leo núi chính hiệu.Cảm ơn các anh thật nhiều. 
  
Nữ "Thần xà " nhập được cứu hộ từ  phần trên cao của cây đa miếu Vạn Phúc. Ngày 09/03/3013.
Nữ "Thần xà " nhập được cứu hộ từ  phần trên cao của cây đa miếu Vạn Phúc. Ngày 09/03/3013.

Một nữ “ thần xà “ khác cũng tính leo cây đa, nhưng có lẽ quá mệt nên chỉ bò được tới gốc thì dừng lại. Sau đó được công an bảo vệ dìu ra ngoài.Số còn lại kẻ bò, người trườn nói gỉ không rõ. Có rất nhiều người quay video nghiệp dư.Không thấy phóng viên chuyên nghiệp.
       Ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng ban Ban Quản lý tôn tạo di tích phường Vạn Phúc cho biết: Khi số tiền góp lễ lên tới hơn 100 triệu đồng thì những người dân đứng ra làm lễ, nhờ đến BQL di tích. BQL di tích phường đã xin ý kiến của lãnh đạo địa phương và quyết định đứng ra tổ chức lễ vào ngày 28/1 âm lịch ( theo như “Thần xà “ đã phán dạy ). Ban Quản lý đã chọn mua một đôi bê ở trên Ba Vì (Hà Nội). Làm lễ cúng “thần” xong, đôi bê này được tặng cho hai gia đình nghèo ở Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) vì giữa hai làng Kim Lan và Vạn Phúc từng kết nghĩa với nhau.
  
Một nữ "Thần xà "nhập khác đang trườn tới ăn trứng sống cúng trước miếu thờ " Thần xà " gần gốc đa miếu Vạn Phúc. Ngày 09/03/2013.
     Ngày 09/2/2013( tức 28 tháng giêng năm Qúy Tỵ)  tại miếu làng vạn phúc có ít nhất 9 lần ” Thành Hoàng Làng ” hoặc ” Thần Xà”  nhập: 1lần là dân Vạn Phúc,8 lần khách thập phương đến , cúng, thắp hương tại Miếu Làng Vạn Phúc.
   Theo ông Đỗ Xuân Thủy, trước việc “thần xà nhập người” gây hoang mang dư luận, cơ quan an ninh đã vào cuộc và cho biết có một số trường hợp lợi dụng dịp lễ hội tại miếu, nhằm gây thanh thế cho mình. Trong số 9 người, có 2 trường hợp có điện thờ tại nhà đã đến khu vực miếu Vạn Phúc và giả vờ “lăn đùng, ngã ngửa” ra tự cho là có “thánh nhập”.
     Tổng số lượt người tới miếu Vạn Phúc trong ngày không có số liệu thống kê, chỉ biết là rất đông bao gồm dân làng và khách thập phương, có người sùng bái tin thánh thần, có người vì hiếu kỳ.Thời gian kéo dài tới hơn 11 giờ đêm.
    
Rất đông người tới dự  lễ, ưu tiên hàng đầu là các cụ.

     Ông Đỗ Xuân Thủy, Trưởng Ban quản lý di tích phường Vạn Phúc cho biết, số tiền công đức mà ngôi miếu nhỏ này nhận được từ Rằm tháng Giêng đến nay là 191 triệu đồng Việt Nam .Theo ông Thủy, số tiền được chi cho  ngày lễ vừa qua hết gần 100 triệu đồng. Số tiền còn lại, Ban quản lý di tích sẽ dùng để tôn tạo di tích sau này.
      Ngày cúng lễ "Thành hoàng và Hoàng xà " đã diễn ra một cách tốt đẹp,tương đối trật tự an toàn,không xẩy ra điều gì đáng tiếc.Các bài toán khó đã có cách giải hay. Có thể nói là trên cả mong đợi, thật đáng mừng.

3/Thần xà Vạn Phúc thực hay hư ?

      Đôi điều về loài rắn. Rắn các loại, kể cả rắn có mào , rắn trắng, rắn có kích thước khác thường đều có thật, đều là tuyệt tác của thiên nhiên. Một số loài hiếm gặp, có số lượng cá thể trong thiên nhiên còn rất ít, vì  bị săn bắt, vì môi trường sống của chúng bị hủy hoại, đang có nguy cơ tiệt chủng.  Rắn có mào, rắn có sừng,rắn đuôi chuông,rắn có màu lạ sặc sỡ ....Mào , sừng , đuôi chuông, màu sắc đều do các vẩy thân biến thái mà thành. Không nên nhầm lẫn với mào của chim, gia cầm hay sừng của các loài thú có sừng.Nhóm này đa số có tên trong sách đỏ được pháp luật bảo vệ. Có một số rắn bị đột biến ngẫu nhiên có kiểu hình lạ,không di truyền cho thế hệ sau, số cá thể rất ít, đơn lẻ, như : rắn hồ mang trắng,rắn hai đầu, nên rất hiếm gặp. Sự hiếm gặp các kiểu hình rắn lạ như nêu trên là một hiện tượng sinh học bình thường. Một số người ngộ nhận là "rắn thành tinh", " thần rắn " hay " thần xà " là sai lầm, không có cơ sở khoa học.
      Đã không có" Thần xà " thì hiển nhiên là không có chuyện" Thần xà "nhập.Những lời của những người được cho là " Thần xà " nhập nói ra dù ở trạng thái tâm thần nào cũng khó có thể coi là lời phán của" thần xà " được.

Rắn đuôi chuông, khi bị kích thích các vẩy đuôi rung mạnh phát ra tiếng kêu..
Rắn mi mắt vàng - Golden Eyelash Viper. Nếu nhìn ngang thì mi mắt cũng dễ tưởng là mào.
Rắn Bitis Rhinoceros - Ứng cử viên nặng ký nhất cho sự lầm tưởng về rắn mào.
Rắn có sừng - Rhinoceros Bitis.
Rắn Hổ Mang thường.
Rắn có sừng duy nhất ở Việt Nam là rắn lục sừng Fansipan, rất hiếm gặp nhưng cũng không vì thề mà là " thần xà "
Rắn Vàng cũng hiếm gặp, cũng không phải là rắn thần.
Rắn có màu sặc sỡ hiếm gặp cũng không phài là rắn thần
Con rắn khổng lồ này hiếm gặp  cũng không phải là rắn thần.
      Biến dị đột biến là một hiện tưởng sinh học bình thường, Các biến dị đột biến bất thương đa số là có hại. Các cá thể biến dị đột biến bất thường đa số chết ngay khi chưa được sinh, nở. Tuy nhiên cũng có một số cá biệt, cá thể vẫn sống tồn tại khá lâu, nhưng không di truyền cho đời sau được.Đó cũng là lý do hiếm gặp của kiểu hình dị thường như :nhiều đầu, nhiều chân, kích thước, màu sắc di thường. Ngay ở người chúng ta cũng chứng kiến các kiểu dính bụng dính lưng...Đó là những hiện tượng sinh học không phổ biến, nhưng bình thường, không phải là  thần thánh, ma quỷ gì cả.

Rắn Hổ Mang trắng do bị đột biến loạn sắc và đột biến ddạng 2 đầu cùng trên một ca th, chỉ xẩy ra ngẫu nhiên ở một ít số cá th. Đây là một hiện tượng sinh học hiếm gặp nhưng không phải là rắn thần hay rắn thành tinh.
Rắn Hổ Mang trắng do bị đột biến loạn sắc, chỉ xẩy ra ngẫu nhiên ở một số cá th. Đây là một hiện tượng sinh học hiếm gặp nhưng không phải là rắn thần hay rắn thành tinh.
Con rắn hai đầu này là do đột biến ngẫu nhiên, rất hiếm gặp cũng không phải thần rắn.
Con rắn năm đầu này là do đột biến ngẫu nhiên, rất hiếm gặp cũng không phải thần rắn
Con rắn năm đầu này là do đột biến ngẫu nhiên, rất hiếm gặp cũng không phải thần rắn
Con rắn năm đầu này là do đột biến ngẫu nhiên, rất hiếm gặp cũng không phải thần rắn

Con rắn ba đầu này là do đột biến ngẫu nhiên, rất hiếm gặp cũng không phải thần rắn

Con rắn ba đầu này là do đột biến ngẫu nhiên, rất hiếm gặp cũng không phải thần rắn

Con rắn hai đầu này là do đột biến ngẫu nhiên, rất hiếm gặp cũng không phải thần rắn.

    Tuy nhiên “Thần rắn”, “ Thần xà “ lại có thật trong truyền thuyết, tín ngưỡng,các loại hình văn hóa. Đây lại là vấn đề hoàn toàn khác, vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, là đức tin, là khát vọng về những điều tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng.

     Trong Ấn Độ giáo thần rắn có tên gọi là Nagas.Hình ảnh thường thấy ở các đền đài Ấn Độ là vị thần cầm rắn trên tay hay để rắn quấn quanh mình. Thờ rắn rất phổ biến trong tín ngưỡng ở Campuchia. Người Khmer vốn có tín ngưỡng thờ rắn Nagas 7 đầu.

Thần rắn Nagas bẩy đầu phò trợ đức Phật.

Truyền thuyết Ai Cập thường xem rắn như là một vị thần linh tối cao, vị thần hộ mạng cho các nhà vua. Trên các vương miện của các vua ( pharaon) Ai Cập đều có chạm trổ hình rắn Nagas bằng vàng hay đá quý. Ở Thái Lan  có rất nhiều đền thờ  thần rắn.

Rắn Thần trên vương miện của các Faraon ( Vua ) Ai Cập.

       Ở Việt Nam, rắn không có được hình ảnh tốt.Tuy nhiên ta vẫn thấy các đền thờ rắn xuất hiện dọc theo các con sông Hồng, sông Cầu, sông Đuống từ lâu đời. Đền Kinh Hạ, thành phố Hà Tĩnh là một trong những ngôi đền cổ kính, đẹp và linh thiêng của vùng đất Hà Tĩnh. Đền có tục thờ Thần Rắn làm Thành hoàng làng.Điện thờ chính thờ thần Rắn- tam lang - Long Vương .Tục thờ Tam Lang - Long Vương - Thần Rắn là tín ngưỡng phổ biến của cư dân Việt cổ, với vai trò của các thần linh bảo hộ sông nước, trong đời sống tâm linh của cả cộng đồng làng xã. Hình ảnh các vị thần Tam Lang trong tục thờ thần Rắn làm Thành hoàng - Long Vương ở đền Kinh Hạ và một số địa phương khác ở Hà Tĩnh cũng như nhiều nơi trong nước có thể xem là nét đẹp văn hoá, tài sản tinh thần chung của dân tộc.   


Hình tượng cặp rắn thần trang trí trên đồ thờ bằng gỗ sơn son thếp vàng có niên đại thời Lê ở di tích đền Kinh Hạ (xã Thạch Hưng, TP. Hà Tĩnh).
Trong miếu thờ Rắn Thần có mào ở Đông Anh luôn có trứng gà

      

       Trở lại chuyện “Thần xà Vạn Phúc”. Có lẽ cũng gần sấp xỉ 100% chuyện “Thần xà” nhập là không có thực. Nhưng cái việc không thực đã tạo nên một việc có lẽ là thực. Đó là chuyện "Tin rằng “Thần xà " là có thực và thần sẽ phù hộ, ban  muôn vạn phúc lành cho dân làng Vạn Phúc "  xuất hiện trong niềm tin của nhiều người dân Vạn Phúc.Họ có lẽ đã coi đó như một điềm lành, một hy vọng tốt đẹp đầu xuân Qúy Tỵ, Năm mà Thành Hoàng làng Vạn Phúc tròn 1000 tuổi.Niềm tin, hy vọng đó xuất phát từ lòng khát khao mong muốn quê hương, gia đình được hưởng muôn vạn điều phúc đức. Điều đó có lẽ là có thực.

      Câu chuyện chưa có hồi kết. Đây là vấn đề niềm tin của nhiều người, trong đó có nhiều bậc bề trên như các cụ, các ông bà, cha mẹ trong làng. Một vấn đề hư hư, thực thực, một bài toán khó, không dễ giải quyết thấu đáo. Là vấn đề về niềm tin, là góc “ thiêng liêng” của tâm hồn, rất nhậy cảm, tiểu đệ cúi xin các vị đại sư, các vị bằng hữu tin hay không, cũng nên vui lòng nể tình tôn trọng. Xin hãy để người dân làng Vạn Phúc tự quyết định công việc và niềm tin của mình, theo cách riêng của họ, nếu họ muốn. Có thêm một  miếu thờ " Thần xà ", thêm hai con bê làm từ thiện giúp người nghèo, tại miếu Vạn Phúc thiết nghĩ cũng không phải là không chấp nhận được.Tổ tiên của người Việt và các nước láng giếng cũng đã có thờ thần rắn mà. Vài lời quê mùa có gì sai sót, mong các vị đại sư,các vị bằng hữu nể tình miễn chấp.

     Xin cảm ơn các vị đại sư và các vị bằng hữu, chúc cho dân làng Vạn Phúc được muôn sự an lành, vạn điều phúc đức.


Mặc dù trời mưa nhưng đông đảo đại biểu và nhân dân đã dến dự Lễ vinh danh cây di sản Việt Nam ở làng Vạn Phúc - Tại Miếu Vạn Phúc ngày 19/02/3013.






     
     

1 nhận xét: