CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.

CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.
NGƯỜI ĐƯA TIN K16 LÂM HỌC

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

ĐỘC ĐÁO NGHỆ THUẬT CÂY KIỂNG CỔ NAM BỘ.


Cây kiểng Tam cang ngũ thường

      Xuất phát điểm của nghệ thuật kiểng cổ chính là thú chơi tao nhã vào thời gian nhàn rỗi của con người. Song, trong giai đoạn hình thành và phát triển nghệ thuật kiểng cổ đã vượt lên nhu cầu tiêu khiển, giải trí của cá nhân trở thành một loại hình văn hóa dân gian, phản ánh nhận thức thẩm mỹ và nhân sinh quan của con người đương thời.
 Thông qua cách chọn giống cây để tạo tác và đặt tên cho những dáng thế khác nhau, các nghệ nhân đã làm cho gốc kiểng vô tri trở thành những tạo vật có tính biểu tượng, tính triết lý và tính giáo dục sâu sắc.
I- TẠI SAO GỌI LÀ KIỂNG CỔ
        Những nghệ nhân cao tuổi và các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian ở Tiền Giang cho rằng: trước thập niên 80 không ai gọi là kiểng cổ, mà chỉ gọi đơn giản là kiểng. Từ kiểng cổ chỉ mới xuất hiện trong khoảng thời gian gần đây, khi mà cây kiểng Nam bộ bắt đầu trở thành một loại hàng hóa đặc biệt trên thị trường. Một cây được gọi là kiểng phải đạt 2 yếu tố: thiên tạo và nhân tạo, trong đó yếu tố nhân tạo là chủ yếu. Thiên tạo bao gồm các đặc điểm tự nhiên của cây, như: bộ cội rễ, thân, cành, hoa và lá. Nhân tạo là sự tác động của con người bằng nhiều biện pháp khác nhau để cải biến các đặc điểm tự nhiên của cây theo ý muốn.
        Uốn tỉa cây tự nhiên thành các dáng thế và đặt cho chúng những tên gọi hàm chứa ý nghĩa chính là quá trình sáng tạo nghệ thuật của các nghệ nhân. Do vậy, cây cảnh (như cách gọi của nhiều người hiện nay) hoàn toàn khác cây kiểng. Thí dụ: cây Thiên Tuế phải gọi là cây cảnh vì vẻ đẹp của nó là ở những đặc điểm vốn có của cây; còn cây Mai Chiếu thủy thế Mẫu tử lưỡng diện phải gọi là cây kiểng, vì có sự tạo tác của con người theo một qui trình kỹ thuật nhất định.
        Với những nhà kinh doanh hoa kiểng ở Tiền Giang thì kiểng cổ dùng để chỉ các cây kiểng của Nam bộ được tạo dáng theo phương pháp truyền thống. Theo họ, từ cổ đi kèm theo từ kiểng không hàm ý chỉ tuổi thọ của cây; bởi vì có những cây kiểng mới chỉ 5-7 năm vẫn được gọi là kiểng cổ. Từ kiểng cổ còn được sử dụng để phân biệt với bonsai (một loại kiểng thu nhỏ, trồng trong khay hoặc chậu) và các loại cây cảnh du nhập từ nước ngoài, xuất hiện khá nhiều ở các cơ sở kinh doanh hoa kiểng hiện nay.
        Kiểng cổ là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng và độc đáo ở Tiền Giang. Nói là đặc trưng, vì so với các tỉnh lân cận trong khu vực, số lượng nghệ nhân chơi kiểng cổ và số lượng các sân kiểng, vườn kiểng rất nhiều; thậm chí nhiều gia đình không khá giả hay giàu có, vẫn đặt vài ba chậu kiểng chưng bày trên sân nhà. Nói là độc đáo, vì nơi đây đã hình thành hai trường phái nghệ thuật kiểng cổ ở Nam bộ. Phía Đông Tiền Giang, tiêu biểu là vùng Gò Công với trường phái kiểng cổ lưỡng diện. Phía Tây Tiền Giang, tiêu biểu là vùng Ba Dừa với trường phái kiểng cổ tứ diện.
2- TRƯỜNG PHÁI KIỂNG CỔ LƯỠNG DIỆN
        Lưỡng diện là loại kiểng nhìn được ở hai mặt: trước và sau của cây kiểng. Kiểng cổ lưỡng diện được nghệ nhân sáng tạo trên cơ sở nhân sinh quan của xã hội đương thời. Cho nên, việc giải thích các dáng thế khác nhau của các cây kiểng cổ phản ánh tư tưởng, nhận thức, tình cảm chủ quan của nghệ nhân. Và điều đó đã tạo cho nghệ thuật kiểng cổ lưỡng diện có tính triết lý, tính giáo dục sâu sắc, tiêu biểu ở hai cây kiểng Tam tòng tứ đức và Tam cương ngũ thường.
2.1- Cây kiểng Tam cang ngũ thường
        Theo các nghệ nhân vùng Gò Công thì nghệ thuật kiểng cổ phản ánh nhân sinh quan của người xưa là “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Muốn vươn đến khát vọng đó, người đàn ông phải đạt những chuẩn mực nhất định nhằm khẳng định giá trị của mình. Cây kiểng cổ Tam cang ngũ thường ra đời trên cơ sở đó. Ngoài ra, đối với nghệ nhân Gò Công, cây kiểng nầy còn là biểu tượng cho tài năng và phẩm chất của vua Tự Đức (1847 – 1883) – vị vua học rộng, có tài làm thơ và rất hiếu thảo với mẹ.
2.2- Cây kiểng Tam tòng tứ đức
        Nếu như cây kiểng lưỡng diện Tam cang ngũ thường được người dân xứ Gò xem là biểu tượng nhân cách của vua Tự Đức, thì cây kiểng Tam tòng tứ đức là biểu hiện phẩm hạnh của bà Từ Dũ (1810 – 1901). Bà được tiến vào cung vua từ năm 14 tuổi cho đến lúc tạ thế (93 tuổi) vẫn giữ vững cốt cách của bậc mẫu nghi thiên hạ, là tấm gương sáng của giới nữ trong việc nuôi dạy con cái.
        Theo nghiên cứu của ông Phạm Quang Đức (Phó chủ nhiệm Hội hoa kiểng ở thị xã Gò Công) thì chủ thể sáng tạo ra hai cây kiểng này chính là những nho sĩ xứ Gò; để bày tỏ lòng kính trọng với thái hậu Từ Dũ – người trọn đạo tam tòng tứ đức và tôn vinh vua Tự Đức – người trọn đạo tam cương ngũ thường. Bởi vì, xuất thân và phẩm hạnh của hai người là niềm tự hào của nhân dân Gò Công. Tuy xuất phát từ quan niệm Nho giáo về giá trị con người, song việc các nghệ nhân Gò Công sáng tạo ra hai cây kiểng lưỡng diện Tam tòng tứ đức và Tam cang ngũ thường là sự đóng góp rất lớn vào kho tàng nghệ thuật dân gian địa phương.
3) TRƯỜNG PHÁI KIỂNG CỔ TỨ DIỆN
        Nếu như cây kiểng lưỡng diện chỉ quan sát được ở hai mặt, thì với cây kiểng tứ diện người ta có thể nhìn ngắm trong không gian 3 chiều. Người ta có thể đứng ở bất kỳ vị trí nào (chung quanh cây) cũng thấy được dáng vẻ đẹp của cây kiểng cổ. Khởi đầu, nghệ nhân chỉ kéo các chi sao cho đều đặn, cân đối, hài hòa cả 4 mặt. Các chi thường được kéo thành hai tàn: tàn hướng lên trên gọi là Nghinh sương, tàn hướng xuống dưới gọi là Chiếu thủy. Do vậy mà trường phái nầy còn được gọi là Sơn thủy tứ diện. Dần về sau, các thế hệ nghệ nhân tiếp nối của trường phái tứ diện đã cải tiến kỹ thuật kéo mỗi chi thành 3 tàn (ở giữa 2 tàn Nghinh sương và Chiếu thủy nghệ nhân kéo thêm một tàn nữa gọi là Trung bình); đồng thời dưỡng các nhánh phụ của mỗi tàn cho xum xuê và cắt tỉa thành các tai lớn. Sự cải tiến nầy đã cho ra một kiểu cổ mới, gọi là Sơn thủy tứ diện tai hiện rất phổ biến ở Nam bộ.
        Trải qua hai cuộc chiến tranh chống xâm lược, nghệ thuật kiểng cổ ở Tiền Giang cũng lắm thăng trầm. Bom đạn tàn phá ruộng vườn, nhà cửa bị tiêu hủy, đời sống gặp nhiều khó khăn, truyền thống trong sinh hoạt cộng đồng bị đứt đoạn… nhưng các nghệ nhân vẫn cố gắng bảo quản tốt những gốc kiểng lâu đời trên sân nhà; thậm chí không ít gia đình đã xem các gốc kiểng cổ như là vật gia bảo, ra sức chăm sóc, gìn giữ. Từ khi đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, giao lưu kinh tế và văn hóa ngày càng mở rộng, cây kiểng cổ trở thành một loại hàng hóa đặc biệt. Cho là đặc biệt vì giá trị hiện kim của nó phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người mua – người bán, không có mức định chuẩn về giá cả như các loại hàng hóa khác. Nhiều nghệ nhân chơi kiểng do nhu cầu đời sống đã bán đi các gốc kiểng quí của gia đình. Do vậy, những gốc kiểng cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật ngày càng thưa vắng trên các sân kiểng; nhất là những cặp kiểng cổ xuất hiện trong giai đoạn đầu của hai trường phái. Nếu không kịp thời nghiên cứu, sưu tầm và có giải pháp bảo tồn hữu hiệu, thiết nghĩ chỉ một thời gian không xa, sẽ không còn gì để chứng minh về quá trình hình thành và phát triển của một loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng ở Tiền Giang nói riêng và Nam bộ nói chung.
vuonmaianhoai.com


  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét