CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.

CỰU SINH VIÊN K16 LÂM HỌC ĐHLN VN.
NGƯỜI ĐƯA TIN K16 LÂM HỌC

Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

THÀY TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM


                 =================================================


                                          

Tượng thờ Thày Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm.
 (1491 - 1585 )








Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm  là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như  văn hoá Việt Nam trong thế kỷ 16. Thày được biết đến nhiều vì tư cách đạo đức, tài thơ văn của một nhà giáo có tiếng thời kỳ Nam – Bắc Triều ( Trịnh – Nguyễn phân tranh ) cũng như tài tiên tri các tiến triển của lịch sử Việt Nam. Sau khi đậu Trạng nguyên  khoa thi Ất Mùi (1535) và làm quan dưới triều nhà Mạc  Thày được phong tước Trình Tuyền Hầu rồi thăng tới Trình Quốc Công mà dân gian quen gọi Thày  là Trạng Trình .Đạo Cao Đài  sau này đã phong thánh và suy tôn Thày là Thanh Sơn Đạo sĩ hay Thanh Sơn Chơn nhơn. Người đời coi Thày  là nhà tiên tri số một trong lịch sử Việt Nam đồng thời lưu truyền nhiều câu sấm ký được cho là bắt nguồn từ Thày và gọi chung là Sấm Trạng Trình.Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được coi là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam một cách có ý thức nhất thông qua các văn tự của Thày còn lưu lại đến ngày nay. Học trò của Thày có người trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền.

A/THƠ VĂN CỦA THÀY

Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị. giàu chất liệu hiện thực, tính triết lý sâu xa của thời cuộc. truyền đạt cho đời một đạo lý đối nhân xử thế: đạo vua tôi, cha con và quan hệ bầu bạn, hàng xóm láng giềng.

                Xin giới thiệu một số bài thơ của Thày :

1/Khôn dại

Ở đời có dại mới nên khôn,
Chớ dại ngu si, chớ quá khôn.
Khôn được ích mình đừng để dại.
Dại thì giữ phận, chớ tranh khôn.
Khôn mà hiểm độc là khôn dại.
Dại ấy hiền lành, ấy dại khôn.
Chớ cậy mình khôn cười kẻ dại.
Gặp thời dại cũng hoá nên khôn...

2/Của nặng hơn người

Ðời nay nhân nghĩa tựa vàng mười,
Có của thì hơn hết mọi lời.
Trước đến tay không, nào thiết hỏi,
Sau vào gánh nặng, lại vui cười.
Anh anh, chú chú, mừng hơn hớn,
Rượu rượu, chè chè, thế tả tơi.
Người của, lấy cân ta thử nhắc,
Mới hay rằng của nặng hơn người.

3/Cnh Nhàn...

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào.
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,
Người khôn, người đến chỗ lao xao.

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây, ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quí, tựa chiêm bao.

4/Có phúc có phần

Trời sinh, trời ắt đã dành phần,
Tu hãy cho hiền, dạ có nhân.
Khó chớ oán thân, thân mới nhẹ.
Giàu mà yêu chúng, chúng càng gần.
Bạo hung chỉn đã gươm mài đá.
Phúc đức rành hay cỏ đượm xuân.
Chớ có hại nhân mà ích kỷ.
Giấu người, khôn giấu được linh thần.

5/Thói Đời

Vụng khéo nào ai chẳng có nghề.
Khó khăn phải lụy đến thê nhi.
Ðược thời, thân thích chen chân đến.
Thất thế, hương lân ngoảnh mặt đi.

Thớt có hôi tanh, ruồi muỗi đậu.
Gan không mật mỡ, kiến bò chỉ.
Ðời nay những trọng người nhiều của.
Bằng đến tay không, mấy kẻ vì.

6/Thói Đời II

Thế gian biến đổi vũng nên đồi.
Mặn nhạt, chua cay lẫn ngọt bùi.
Còn bạc, còn tiền còn đệ tử.
Hết cơm, hết rượu hết ông tôi.

Xưa nay đều trọng người chân thực.
Ai nấy nào ưa kẻ đãi bôi.
Ở thế mới hay người bạc ác.
Giàu thì tìm đến khó tìm lui.

7/Dĩ Hòa Vi Quý

Ở thế đừng tranh tiếng trượng phu.
Làm chi cho có sự đôi co.
Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn.
Ðây rằng đây phải, đấy không thua.

Duật nọ hãy còn đua với bạng.
Lươn kia hầu dễ kém chi cò.
Chữ rằng: Nhân dĩ hòa vi quý.
Vô sự thì hơn, kẻo phải lo.

8/Khuyên nh người đi

Chớ chê người ngắn cậy ta dài.
Hơn kém dù ai cũng mặc ai.
Vị nọ có bùi, không có ngọt.
Mùi kia chầy thắm, lại chầy phai.

Ðã hay phận định, đành yên phận.
Dẫu có tài hay, chớ cậy tài.
Quân tử ngẫm xem nơi xuất xử.
Ắt là khôn hết cả hòa hai.

B/ Sấm Trạng Trình.

Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết ra được những lời tiên tri trong tập Sấm Ký Nguyễn Bỉnh Khiêm mà dân gian quen gọi là Sấm Trạng Trình. Sấm Trạng Trình được người đời xem như là một lời tiên tri của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về tương lai. Có rất nhiều điểm trùng khớp với lịch sử. thể hiển cái tài, cái uy của Thày với đời, cũng là cái tài của người đời diễn dịch. Dẫu thế nào, cũng là tinh hoa văn hoá Việt, rất đáng trân trọng, kính phục. Cuối cùng, những lời sấm của Thày cũng vẫn quay trở về với ý nghĩa sâu xa như ngay trong lời cảm đề Thày đã viết: “Bí truyền cho con cháu - Dành hậu thế xem chơi”- Mọi ý nghĩa sâu xa hơn xin để độc giả suy ngẫm!           

 Xin trân trọng giới thiệu một số “Sấm Trạng Trình“

1/“Sấm” cho nhà Mạc, nhà Nguyễn, nhà Trịnh.
 
 Là một người thày lớn, Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Học trò của Thày, người theo nhà Mạc, người theo nhà Lê. Ngoài triều Lê, Mạc, cả họ Trịnh, họ Nguyễn, những người thuộc các phe đối lập, cũng đều tôn kính Thày, thường xin ý kiến Thày về nhiều vấn đề hệ trọng. Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ cho tất cả. Họ đều thấy sự chỉ dẫn của Thày là đúng, nên Thày được xem như bậc đại hiền, một ông trạng tiên tri...


a/ Nhà Mạc :
 Lúc nhà Mạc sắp mất liền sai người đến hỏi Thày. Thày đã đưa ra lời sấm cho nhà Mạc rằng: “Cao Bằng tàng tại, tam đại tồn cô”. Nghĩa là nếu chạy lên Cao Bằng thì sẽ tồn tại được 3 đời. Qủa nhiên, nhà Mạc lên Cao Bằng thì tồn tại được thêm 3 đời.

b/ Nhà Nguyễn :
  Ấy là năm 1568, khi Nguyễn Hoàng thấy anh là Nguyễn Uông bị Trịnh Kiểm giết, bèn sai người đến hỏi Thày, khi ấy Thày đã 77 tuổi đang ở ẩn tại am Bạch Vân. Thày không nói không rằng, cầm tay sứ giả dắt ra hòn non bộ, chỉ vào đàn kiến đang bò và bảo: “Hoành sơn nhất đái khả dĩ dung thân”, nghĩa là một dải Hoành sơn có thể dung thân được. Hiểu được ngầm ý ấy, Nguyễn Hoàng bèn nhờ chị xin với anh rể là Trịnh Kiểm cho vào trấn thủ đất Thuận Hóa từ đèo Ngang trở vào, nhờ đó mà dựng nên nhà Nguyễn ở phương Nam. Sau này, nhà Nguyễn đã đổi câu sấm của Thày thành: “Hoành sơn nhất đái vạn đại dung thân” hy vọng sẽ giữ được cơ nghiệp mãi mãi nhưng quả đúng như lời sấm ban đầu của Thày, nhà Nguyễn chỉ có thể dung thân ở dải Hoành sơn chứ không thể tồn tại mãi mãi, nên triều đại nhà Nguyễn đã chấm dứt vào năm 1945.

c/ Nhà Trịnh :
       Triều đại thứ 3 cùng tồn tại khi ấy là nhà Trịnh, khi  vua Lê Trung Tông mất không có người nối dõi, Trịnh Kiểm định soán ngôi nhà Lê nhưng chưa dám quyết nên đã sai người tới hỏi Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm. Thày  không nói năng gì mà dẫn sứ giả ra chùa thắp hương bảo: “Mấy năm nay mất mùa, nên tìm giống cũ mà gieo”. Rồi Thày lại sai chú tiểu quét dọn chùa sạch sẽ và nói: “Giữ chùa thờ phật thì ăn oản”, ý nói giữ là bề tôi của các vua Lê thì lợi hơn. Trịnh Kiểm nghe theo liền sai người đi tìm tôn thất nhà Lê thuộc chi Lê Trừ (anh Lê Lợi) đưa lên ngôi, tức là vua Lê Anh Tông.
    Về sau con cháu chúa Trịnh nhiều lần muốn đoạt ngôi vua Lê, nhưng Thày đều khuyên can khéo: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong ". Họ Trịnh mượn tiếng nhà Lê nhưng thực chất nắm quyền điều hành chính sự, hai bên cùng tồn tại tới hơn 200 năm. Vì thế mà có câu: Lê tồn, Trịnh tại.
Tuy nhà Lê suy nhược, nhà Trịnh tóm thâu mọi quyền hành nhưng không có Lê, Trịnh không đứng vững được. Quả nhiên, đời vua Chiêu Thống ngai vàng Lê mất thì dòng Trịnh cũng chẳng còn ngôi chúa nữa.

2/ Những lời tiên tri:
a/ Truyện kể lại rằng : 
       Trước khi qua đời,Thày Nguyễn Bỉnh Khiêm để lại một phong thư, đặt trong một ống quyển gắn kín, dặn con cháu sau này nếu làm ăn sa sút, mang thư ấy đến gặp quan sở tại thì sẽ được cứu giúp. Đến đời thứ bảy, người cháu thứ bảy là Thời Đương nghèo khốn quá, nhớ lời truyền lại, đem phong thư đến gặp quan sở tại. Quan lúc này đang nằm võng đọc sách, nghe gia nhân báo có thư của Thày Trạng Trình thì lấy làm lạ, lật đật chạy ra đón thư. Vừa ra khỏi nhà thì cái xà rơi xuống đúng chỗ võng đang nằm. Quan sợ hãi vội mở thư ra xem thì chỉ có mấy chữ:
         "Ngã cứu nhĩ thượng lương chi ách
          Nhĩ cứu ngã thất thế chi tôn
          (Ta cứu ngươi thoát khỏi ách xà rơi
         Ngươi nên cứu cháu bảy đời của ta)
     Quan vừa kinh ngạc, vừa cảm phục, bèn giúp đỡ cháu bảy đời của Trạng hết sức tử tế.

b/ Truyện kể rằng :
      Đời Vua Minh Mạng (1820 - 1840) trong dân gian lưu truyền một câu sấm: "Gia Long nhị đại, Vĩnh Lại vi Vương" (đời thứ hai Gia Long, người ở Vĩnh Lại làm vua). Vua Minh Mạng vốn tính đa nghi. Biết được mấy câu sấm ấy, nhà vua vừa có ý đề phòng, vừa căm giận Trạng Trình. Tổng đốc Hải Dương lúc bấy giờ là Nguyễn Công Trứ được lệnh đến phá đền thờ Trạng Trình. Nguyễn Công Trứ cho lính đến, cứ y lệnh triều đình cho đập tường, dỡ nóc. Nhưng khi tháo cây thượng lương ra thì một cái hộp nhỏ đã để sẵn trong tấm gỗ, rơi xuống. Quân lính nhặt đưa trình chủ tướng, Nguyễn Công Trứ mở xem, trong đó có một mảnh giấy đề chữ:
         "Minh Mệnh thập tứ
          Thằng Trứ phá đền
          Phá đền thì lại làm đền
          Nào ai cướp nước tranh quyền gì ai".
    
      Nguyễn Công Trứ vội ra lệnh dừng ngay việc phá đền, khẩn cấp tâu về triều đình, xin làm lại đền thờ Trạng Trình.

c/ Có giai thoại kể rằng: 
     Tổng đốc Hải Dương có lần về thăm quê Trạng Trình. Trong lúc đi dọc sông Tuyết Giang, thấy có ngôi mộ lớn đang có nguy cơ sụp lở, quan xem xét cẩn thận mới biết là mộ của thân phụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vị quan Tổng đốc hết sức ngạc nhiên bởi Trạng Trình là thầy lý số hàng số 1 mà sao lại đặt mộ bố ở chỗ thế này, ông bèn bàn bạc với con cháu Trạng Trình và quyết định di dời lại ngôi mộ vào chỗ khác, ngầm ý muốn sửa lại lỗi xưa của Trạng Trình. Nào ngờ khi đào đến gần hộp quách, phát hiện thấy có tảng đá lớn, lật lên xem thì thấy tấm bia khắc hai dòng chữ: 
       “Bát thập niên tiền khi chung vũ tả.
        Bát thập niên hậu khí nhập ư trung”,
 Nghĩa là: 
      "Tám mươi năm trước khí tốt bên trái.
       Tám mươi năm sau khí tốt rời vào trong!"



-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét