Thứ Năm, 14 tháng 3, 2013

25 NĂM - HẢI CHIẾN TRƯỜNG SA - 1988


Ngày xẩy ra trận hải chiến Trường Sa - 25 năm trước.

        Hôm nay 14/03/2013, vừa tròn 25 năm xẩy ra trận hải chiến Trường Sa 1988.Xin thắp nén nhang cho vong hồn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc. Hải chiến Trường Sa 1988 là tên gọi của cuộc chiến trên Biển Đông năm 1988 của Hải quân nhân dân Việt Nam đang bảo vệ  bãi đá Cô Lin, bãi đá Len Đao và bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, của Việt Nam, chống lại sự tấn công xâm lược của Hải quân Trung Quốc.


1/Cụm đảo Cô Lin, Len Đao và Gạc Ma

Đảo Cô Lin sừng sững giữa ngàn khơi.

Đá Cô Lin là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đảo Sinh Tồn 9 hải lí (17 km) về phía tây nam, cách đá Gạc Ma khoảng 1,9 hải lí về phía tây bắc (3,5 km) và cách đá Len Đao 6,8 hải lí (12,6 km) về phía tây tây nam.

Sau trận Hải chiến Trường Sa 1988 giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam vẫn giữ quyền kiểm soát đá này. Về mặt quản lí hành chính của Việt Nam, đá Cô Lin thuộc xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có một nhà lâu bền và một nhà cao chân cách nhau khoảng 100 m.

Bản đồ hành chính đều thể hiện danh từ riêng là Cô Lin còn danh từ chung để mô tả thực thể là đá. Về bản chất địa lí, đá Cô Lin không phải là một đảo mà là rạn san hô.

  • Đặc điểm: có dạng một hình tam giác (nhưng cạnh hơi cong) với độ dài mỗi cạnh khoảng 1 hải lí. Đá này ngập chìm dưới nước khi thuỷ triều lên và chỉ có vài hòn đá nổi lên khi thủy triều xuống thấp.

Đảo Len Đao tháng 4 - 2011.

Đảo Len Đao tháng 4 - 2011.
Đá Len Đao là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đá Gạc Ma 5,5 hải lí (10,2 km) về phía đông bắc và cách đảo Sinh Tồn 6,5 hải lí (12 km) về phía đông nam.

Một tháng sau trận Hải chiến Trường Sa 1988 giữa Việt Nam và Trung Quốc, công binh Việt Nam bí mật đổ bộ, xây dựng công sự trên đá Len Đao và chiếm được đá này. Hiện Việt Nam đang kiểm soát đá Len Đao như một phần của xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Bản đồ hành chính đều thể hiện danh từ riêng là Len Đao còn danh từ chung để mô tả thực thể là đá. Về mặt địa lí, đá Len Đao không phải là một đảo mà là rạn san hô.

  • Đặc điểm: khi thuỷ triều xuống thấp thì bãi san hô nổi lên khoảng 0,5 m; ngược lại khi thuỷ triều lên cao thì bãi chìm dưới nước 1,8 m.

Đảo Gạc Ma hiện đang bị Trung Quốc chiếm.
 Đá Gạc Ma là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa. Đá này nằm cách đá Cô Lin hơn 3 km về phía đông nam và đánh dầu đầu mút phía tây nam của cụm Sinh Tồn.Sau trận Hải chiến Trường Sa Trung Quốc đã chiếm đảo này tới nay.

 Đặc điểm: rạn đá màu nâu và được bao quanh bởi vành đai san hô trắng. Chỉ có vài hòn đá nổi lên trên mặt biển còn đa phần đá này chìm dưới nước.
Cụm đảo Sinh Tồn - Ảnh vệ tinh của NASA.

2/Những trang sử vẻ vang


Tàu HQ 604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh tư liệu Lữ đoàn 125
    “Ngày 14.3.1988, khi các tàu vận tải cùng với bộ bội của ta đang thực hiện nhiệm vụ bảo vệ đảo Cô Lin, Gạc Ma và Len Đao, thì các tàu chiến của Trung Quốc lao đến ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế, dùng pháo lớn bắn vào các tàu HQ 604 ở đảo Gạc Ma, HQ 605 ở đảo Len Đao và HQ 505 ở đảo Cô Lin; cho quân đổ bộ lên đảo Gạc Ma nhổ cờ Tổ quốc, nổ súng vào bộ đội gây cho chúng ta nhiều tổn thất, 3 cán bộ hy sinh, 11 cán bộ, chiến sĩ bị thương, 70 người mất tích… (sau đó Trung Quốc trao trả lại 9 người đã bắt giữ). Bị tổn thất và hy sinh nhưng bộ đội ta với tinh thần kiên cường,  quyết tâm đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền đảo Cô Lin và Len Đao, tiếp tục triển khai đóng giữ bảo vệ thắng lợi Đá Nam và Đá Thị ở phía bắc quần đảo (15-16.3.1988). (Trích Lịch sử Vùng 3 hải quân)

Tàu HQ-505, con tàu duy nhất không bị chìm do thuyền trưởng Vũ Huy Lễ quyết định cho lao lên đảo Cô Lin và trở thành pháo đài bất khuất trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988. (Ảnh tư liệu)

        “6 giờ sáng 14.3, chiến sự nổ ra, các chiến sĩ dưới sự chỉ huy của thiếu úy Trần Văn Phương vẫn kiên quyết bảo vệ cờ Tổ quốc và không chịu rút lui. Đôi bên giằng co quyết liệt, Trung Quốc nổ súng bắn vào anh Phương, Phương ngã xuống. Vừa lúc ấy, binh nhất Nguyễn Văn Lanh đã nhanh chóng xông tới, cùng anh em đứng vây quanh lá cờ của Tổ quốc. Nguyễn Văn Lanh vừa đánh bật khẩu súng ngắn trên tay một chỉ huy phía Trung Quốc thì một lính khác của đối phương đã dùng lưỡi lê đâm vào Lanh từ phía sau. Lanh gục xuống, một dòng máu nhuộm đỏ từ dưới chân cột cờ của Tổ quốc nhưng cột cờ của Tổ quốc không đổ… (trích Lịch sử Trung đoàn công binh 83 hải quân)
Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ (đứng giữa hàng đầu) và thuỷ thủ tàu HQ-505, hình chụp tháng 5 năm 1988 - Ảnh của Nguyễn Viết Thái.

    Sáng ngày 14/3, từ tàu HQ 604 đang thả neo tại Gạc Ma, đồng chí Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146 - phát hiện thấy bốn chiếc tàu lớn của Trung Quốc đang tiến lại gần. Tổ 3 người gồm thiếu uý Trần Văn Phương và hai chiến sĩ Nguyễn Văn Tư, Nguyễn Văn Lanh được cử lên đá bảo vệ lá cờ Việt Nam đang cắm trên bãi. Phía Trung Quốc cử hai xuồng chở tám lính có vũ khí lao thẳng về phía đá. Chỉ huy Trần Đức Thông ra lệnh cho các thủy thủ từ tàu 604 tiến về bảo vệ bãi để hình thành tuyến phòng thủ, không cho đối phương tiến lên. 

 Liệt sThiếu úy Nguyễn Văn Phương.

Thư và ảnh của Liệt s Thiếu úy Nguyễn Văn Phương.
Anh hùng Nguyễn Văn Lanh và thượng tá Hoàng Văn Hoan, những nhân chứng sống từng chiến đấu bảo vệ Gạc Ma

     6h sáng, hải quân Trung Quốc thả ba thuyền nhôm và bốn mươi quân đổ bộ lên đá giật cờ Việt Nam. Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh bị lê đâm và bắn bị thương. Thiếu úy Trần Văn Phương bị bắn tử thương. Do hải quân Việt Nam không chịu rút khỏi đá, lúc 7 giờ 30 phút, Trung Quốc dùng hai chiến hạm bắn pháo 100mm vào tàu 604, làm tàu bị hỏng nặng. Hải quân Trung Quốc cho quân xông về phía tàu Việt Nam. 

 Đây là lãnh thổ Việt Nam. Đó là những lời sau cùng mà liệt sỹ đại úy, anh hùng quân đội Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ604, đã nói khi chỉ huy bộ đội chiến đấu chống quân xâm lược.

    Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ chỉ huy quân trên tàu sử dụng các loại súng AK47, RPD, B-40, B-41 đánh trả quyết liệt, buộc đối phương phải nhảy xuống biển bơi trở về tàu. Hải quân Việt Nam vừa chiến đấu, vừa tổ chức băng bó, cứu chữa thương binh và hỗ trợ các chiến sĩ bảo vệ cờ. Trung Quốc tiếp tục nã pháo, tàu 604 của Việt Nam bị thủng nhiều lỗ và chìm dần xuống biển. Vũ Phi Trừ - thuyền trưởng, Trần Đức Thông - Lữ đoàn phó Lữ đoàn 146, cùng một số thủy thủ trên tàu đã hy sinh cùng tàu 604 ở khu vực đá Gạc Ma. (Nguồn: Lữ đoàn 125).

Liệt sỹ hải chiến Trường Sa - Lê Đức Hoàng.

     Trong trận hải chiến ngày 14 tháng 3 năm 1988, Hải quân nhân dân Việt Nam bị thiệt hại : 3 tàu bị bắn cháy và chìm, 3 người hy sinh, 11 người khác bị thương, 70 người bị mất tích. Sau này Trung Quốc đã trao trả cho phía Việt Nam 9 người bị bắt, 61 người vẫn mất tích và được xem là đã hy sinh. Tổng cộng 64 sỹ quan, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh và được xem là hy sinh.
Cựu binh hải chiến Trường Sa Phan Văn Đức với vết sẹo trên vai trái do quân Trung Quốc bắn - Ảnh Nguyễn Tú
     Việt Nam bảo vệ được chủ quyền tại các đảo Cô Lin và Len Đao. Trung Quốc chiếm đảo Gạc Ma từ ngày 16 tháng 3 năm 1988 và vẫn giữ cho đến nay. Trung Quốc bị hư 2 tàu chiến, thương vong 24 binh lính hải quân ( Tin chưa chính thức và chưa chính xác ).

Tàu HQ-931 chở những người còn sống sót và thi thể các chiến sĩ sau trận chiến Gạc Ma về Cam Ranh - Ảnh tư liệu ( đăng trong bài 25 năm hải chiến Trường Sa trên Thanh Niên Online )

Video hải chiến Trường Sa 14/03/1988.
3/Tri ân các anh hùng liệt sỹ, hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong trận hải chiến Trường Sa năm 1988.


     Thưa hương hồn các anh, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam, đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển lạnh Trường Sa. Máu của các anh nhuộm đỏ thắm một vùng biển trời của tổ quốc Việt Nam.Các anh đã, đang và mãi mãi sống ở trong lòng dân tộc. Dù đang ở nơi nào giữa đại dương bao la, xin các anh hãy nhận lấy sự tri ân của chúng tôi và của dân tộc.



Cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ đã hy sinh trong trận thủy chiến Trường Sa năm 1988. Hoangsa.org.


Cả trăm người cùng hướng về vòng hoa, lễ vật thả xuống biển, trong niềm xúc động nghẹn ngào.


Những con sóng dập dìu sẽ đưa hoa vào lòng biển khơi, nơi những liệt sĩ hải quân cũng đang hòa mình trong biển cả của tổ quốc Việt Nam.

Nhng người tham d bui tượng nim gi nhng cánh hoa cho các lit sĩ "Nghĩa trang đ" - nơi không có mt nm m, bia.


Với những chiến sĩ Hải quân tàu HQ 960, mỗi chuyến đưa đoàn ra Trường Sa là một lần dự lễ tưởng niệm, nhưng lần nào các anh cũng dâng trào cảm xúc khi nghĩ đến những đồng đội mãi mãi nằm lại dưới biển sâu.


Hàng năm, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tổ chức nhiều chuyến tàu đưa đại biểu, chiến sĩ ra thăm và làm việc ở quần đảo Trường Sa. Ngày cuối của mỗi hành trình, các thành viên trong đoàn lại tập trung trên boong tàu, dự lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Trường Sa.


Chính ủy Quân chủng Hải quân Trần Thanh Huyền đọc tên từng cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ biển đảo quê hương. Mắt ai cũng rớm lệ khi nghe lại câu chuyện hải quân Việt Nam bảo vệ cụm đảo Gạc Ma - Len Đao - Cô Lin.

Danh sách 64 chiến sĩ đã hy sinh ngày 14-3-1988 trong trận chiến bảo vệ quần đảo Trường Sa:
 1- Vũ Phi Trừ, quê Quảng Khê, Quảng Xương, Thanh Hóa.
 2- Nguyễn Văn Thắng, quê Thái Hưng, Thái Thụy, Thái Bình.
 3- Phạm Gia Thiều, quê Hưng Đạo, Trung Đồng, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam).
 4- Lê Đức Hoàng, quê Nam Yên, Hải Yên, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
 5- Trần Văn Minh, quê Đại Tân, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Nghệ An).
 6- Đoàn Đắc Hoạch, quê 163 Trần Nguyên Hãn, quận Lê Chân, Hải Phòng.
 7- Tạ Trần Văn Chức, quê Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình.
 8- Hán Văn Khoa, quê Văn Lương, Tam Thanh, Vĩnh Phú (nay là tỉnh Phú Thọ).
 9 - Trần Văn Phong, quê Hải Tây, Hải Hậu, Hà Nam Ninh (Nam Định).
 10- Nguyễn Văn Hải, quê Chính Mỹ, Thủy Nguyên, Hải Phòng.
 11- Nguyễn Tất Nam, quê Thường Sơn, Đô Lương, Nghệ Tĩnh.
12- Trần Đức Bảy, quê Phương Phượng, Lê Hòa, Kim Bảng, Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam).
 13- Đỗ Việt Thắng, quê Thiệu Tân, Đông Sơn, Thanh Hóa.
  14- Nguyễn Văn Thủy, quê Phú Linh, Phương Đình, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (nay là Hà Nam).
 15- Phạm Hữu Đoan, quê Thái Phúc, Thái Thụy, Thái Bình
16- Bùi Duy Hiền, quê Diêm Điền, Thái Thụy, Thái Bình.
 17- Nguyễn Bá Cường, quê Thanh Quýt, Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam - Đà Nẵng (nay là tỉnh Quảng Nam).
 18- Kiều Văn Lập, quê Phú Long, Long Xuyên, Phúc Thọ, Hà Nội.
 19- Lê Đình Thơ, quê Hoằng Minh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
 20- Cao Xuân Minh, quê Hoằng Quang, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.
 21- Nguyễn Mậu Phong, quê Duy Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (nay là Quảng Bình).
 22- Trần Văn Phương, quê Quảng Phúc, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 23- Đinh Ngọc Doanh, quê Ninh Khang, Hoa Lư, Hà Nam Ninh (Ninh BÌnh).
 24- Hồ Công Đệ, quê Hải Thượng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa.
 25- Đậu Xuân Tư, quê Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
 26- Bùi Bá Kiên, quê Văn Phong, Cát Hải, Hải Phòng.
 27- Đào Kim Cương, quê Vương Lộc, Can Lộc, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
 28- Phan Tấn Dư, quê Hòa Phong, Tuy hòa, Phú Khánh (Phú Yên).
 29- Nguyễn Văn Phương, quê Mê Linh, Đông Hưng, Thái Bình.
30- Võ Đình Tuấn, quê Ninh Ích, Ninh Hòa, Phú Khánh (Khánh Hòa).
 31- Nguyễn Văn Thành, quê Hương Điền, Hương Khê, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
 32- Phan Huy Sơn, quê Diễn Nguyên, Diễn Châu, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
 33- Lê Bá Giang, quê Hưng Dũng, thành phố Vinh, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
 34- Nguyễn Thắng Hải, quê Sơn Kim, Hương Sơn, Nghệ Tĩnh (Hà Tĩnh).
 35- Phan Văn Dương, quê Nam Kim, Nam Đàn, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
 36- Hồ Văn Nuôi, quê Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh (Nghệ An).
 37- Vũ Đình Lương, quê Trung Thành, Yên Thành, Nghệ Tĩnh.
 38- Trương Văn Thinh, quê Bình Kiên, Tuy Hòa, Phú Khánh (Phú Yên).
 39- Trần Đức Thông, quê Minh Hòa, Hưng Hà, Thái Bình.
 40- Trần Văn Phong, quê Minh Tâm, Kiến Xương, Thái Bình.
 41- Trần Quốc Trị, quê Đông Thạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 43 - Lê Thế, quê tổ 29, An Trung Tây, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
 44- Trần Đức Hóa, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 45- Phan Văn Thiềng, quê Đông Trạch, Bố Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 46- Tống Sĩ Bái, quê phường 1, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị).
 47- Hoàng Ánh Đông, quê phường 2, Đông Hà, Bình Trị Thiên (Quảng Trị).
 48- Trương Minh Phương, quê Quảng Sơn, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 49- Nguyễn Minh Tâm, quê Dân Chủ, Hưng Hà, Thái Bình.
 50- Trần Mạnh Viết, quê tổ 36, Bình Hiên, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
 51- Hoàng Văn Túy, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 52- Võ Minh Đức, quê Liên Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 53- Võ Văn Tứ, quê Trường Sơn, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
54- Trương Văn Hướng, quê Hải Ninh, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 55- Nguyễn Tiến Doãn, quê Ngư Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 56- Phạm Hữu Tý, quê Phong Thủy, Lệ Ninh, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 57- Nguyễn Hữu Lộc, quê tổ 22, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
 58- Trương Quốc Hùng, quê tổ 5, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
 59- Nguyễn Phú Đoàn, quê tổ 47, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng).
 60- Nguyễn Trung Kiên, quê Nam Tiến, Nam Ninh, Hà Nam Ninh (Nam Định).
 61- Phạm Văn Lợi, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Quảng Bình).
 62- Trần Văn Quyết, quê Quảng Thủy, Quảng Trạch, Bình Trị Thiên (Q. Bình).
 63- Phạm Văn Sửu, quê tổ 7, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP Đà Nẵng).
 64- Trần Tài, quê tổ 12, Hòa Cường, Đà Nẵng, Quảng Nam-Đà Nẵng (TP Đà Nẵng)
 Nguồn: Vietnamnet


Trao quà cho các gia đình liệt sĩ bảo vệ Gạc Ma
     Theo phong tục truyền thống của người Việt, giỗ kỵ được tính theo lịch âm, thì ngày 14-3-1988 - ngày xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa -  là ngày 27 tháng giêng năm Mậu Thìn. 25 năm qua 64 gia đình Việt Nam có cùng một ngày lễ giỗ. Hôm nay, chúng tôi xin gửi lời tri ân chia buồn cùng 64 gia đình các anh. Chúc 64 gia đình luôn được bình  an mạnh khỏe.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét