Tôi thật
lòng chẳng dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng khi đọc và nghe tin có đề nghị bỏ thi tốt nghiệp THPT và có thể cả kỳ thi đại học, tôi thấy trong lòng ngổn
ngang những nghĩ suy, nên cũng mạnh dạn xin thưa thốt đôi điều.
Bỏ thi hay tiếp tục thi? Từ ngày xưa, thật xưa..con người đã có những kỳ thi tự
phát. Thi để phân tài cao thấp, thi để khẳng định mình, thi để biết mình là ai.
Mỗi một người chân chính đều rất khao khát có một cuộc thi công bằng để khẳng
định mình.Họ chối bỏ mọi vinh quang do thi cử mang lại, nếu biết cuộc thi đó là
không công bằng,vì coi đó là một sự sỉ nhục. Trở lại thi cử đã tác động tích
cực đối với việc học hành rèn luyện vươn lên của cả cộng đồng, điều mà những
người tự phát đứng ra tổ chức thi ban đầu không kỳ vọng.Mãi sau nhà nước mới đứng
ra tổ chức các kỳ thi để chọn hiền tài và để hun đúc cộng đồng ra sức học tập
rèn luyện vươn lên.Lúc đầu thi cử đơn giản là phương tiện để vinh danh, để khẳng
định mình, lúc sau nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy xã hội vươn lên.Vai trò quan
trọng nhất của thi cử là động lực thúc đẩy
phát triển tài năng của mỗi người và cả cộng đồng trong mọi lãnh vực, không chỉ
bó hẹp trong việc dạy và học văn hóa.
Bây giờ xã hội hiện đại có cần thi cử hay không? Thi cử là việc làm cổ lỗ hàng
ngàn năm có trên rồi, nên đổi mới, nên phế bỏ nó đi chăng ? Không, không thể.
Đôi chân đôi tay ta chẳng phải cổ lỗ hàng triệu năm đó sao ? Có cần chặt nó đi không
, dĩ nhiên là không thể được phải không nào. Không phải cái gì cũ là phế bỏ.
Không thể hình dung được học hành lại không có kiểm tra thi cử. Học là phải
thi, phải được đánh giá tối thiểu là những tiêu chuẩn quốc gia thống nhất.
Đó là đòi hỏi của hội nhập và phát triển, không thể cát cứ địa phương, vùng
miền, cơ sở dưới bất kỳ vỏ bọc nào.
Nhìn rộng
ra một chút thử xem.Một đứa trẻ ra đời, chúng ta cân đo bằng đơn vị tiêu chuẩn
quốc tế hẳn hoi. Không phải để chơi mà để có thông tin ban đầu cho việc chăm
sóc đứa trẻ. Trong thương mại, trong kỹ thuật,trong mọi lãnh vực của đời sống,
chúng ta cũng phải dùng các tiêu chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế hẳn hoi để kiểm tra,
để giao dịch,làm việc với nhau. Nếu không có sẽ đình đốn, sẽ loạn ngay.
Trong giáo dục cũng vậy, không thể không có bài kiểm tra, bài thi, theo từng
bước học hành.Đó là những việc đo đếm cần phải làm để mỗi người liên quan có
thể biết kết quả việc học hành ra sao, để suy xét, để có quyết định thích hợp.
Không có nó làm sao tôi biết con tôi học đạt mức nào, làm sao thầy biết trò
mình giỏi hay dở so với cả nước so với nước khác để có cách dạy tốt hơn, làm
sao các nhà quản lý có thông tin để ra đối sách. Người học cũng cần có kỳ thi
để khẳng định mình, để biết mình là ai trong cái thế giới này để mà cố gắng
vươn lên chứ. Quan trọng hơn cả đó là : kỳ thi là động lực giúp cho cả cộng
đồng cùng nhau nâng cao được trình độ dân trí chung, làm nền để tạo ra những
tài năng đỉnh cao.Từ đó gây dựng phát triển nguyên khí quốc gia làm nền tàng cho việc phát triển đất nước sánh vai cùng các
cường quốc năm châu chứ.
Vấn đề có lẽ là ở
chỗ : trung thực nhìn thẳng vào sự thật, phải biết hổ thẹn khi thành tích của
mình được đánh giá cao hơn thực tế vốn có của nó.Điều đó cần cho cả thầy và
trò, cả gia đình và học trò, cả chính quyền và nhà trường, cả xã hội. Đừng ai
cố tình làm méo mó kỳ thi, rồi lại đổ lỗi cho tại kỳ thi. Thi cử chưa bao giờ
và sẽ không bao giờ có tội, bỏ là giáo dục đi xuống ngay, bỏ kéo dài giáo dục sẽ tan
rã. Muốn "Lâu đài giáo dục đào tạo " to đẹp, vững vàng, vươn cao mãi thì phải tổ chức thi, để kiểm tra, đánh giá, để có đối sách thích hợp. Đánh giá một các trung thực thường xuyên với các chuẩn mực phù hợp với từng mục tiêu tính chất của mỗi bậc học,ngành học. Những kỳ thi như vậy, áp lực cao là tất nhiên. Đó chẳng phải là "mực thẳng thì đau lòng gỗ" sao ? Tốn kém, căng thẳng là không tránh khỏi. Tốn kém, có thể nghiên cứu tổ chức tốt hơn. Ở đời, cái gì cũng có giá của nó. Áp lực hay hưng phấn thì còn tùy vào tương quan giữa tài năng của thí sinh so mơ ước của họ và gia đình họ. Kỳ thi, kỳ kiểm tra phải là khuôn vàng thước ngọc, khoa học, khách quan, để
đánh giá, để điều khiển, để thúc đẩy mạnh mẽ con tàu “ giáo dục” vững bước đi
lên. Thi cử chưa công bằng trung thực thì làm cho nó công bằng trung thực,chưa khoa học thì tìm cách cho nó trở nên khoa học,không còn quá cồng kềnh tốn kém một cách không đáng có. Sai đâu sửa đó, lỗi là của chúng ta tạo ra, không phải là lỗi của việc thi cử. Không thể bỏ, càng không thể để nó thành công cụ dối trá, đừng ai gây áp
lực bẻ cong cái cân của sự công bằng,cũng đừng đổ oan cho thi cử. Hãy để cho thi cử độc lập khách quan thực
hiện vai trò của nó, hãy làm cho nó trở thành sân chơi đua tài đầy hào hứng. Được vậy chúng ta nhất định sẽ thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét